1. Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) vừa đưa ra con số thống kê: 1 triệu người di cư, tị nạn và rời bỏ quê hương tới châu Âu trong năm 2015.
Trong số đó, hơn 970.000 người đã phải trải qua hành trình nguy hiểm vượt biển Địa Trung Hải để đến những miền đất hứa, còn 34.000 người khác lựa chọn đường bộ từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Bulgaria và Hy Lạp. Theo UNHCR, cuộc nội chiến tại Syria là nguyên nhân làm bùng phát cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu trầm trọng nhất kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi hơn một nửa số người di cư và tị nạn đến từ Syria. IOM cho rằng rất khó dự đoán về xu hướng số người tị nạn và di cư tới châu Âu vào năm 2016 khi mà các bên chưa tìm ra biện pháp giải quyết cuộc nội chiến Syria, trong khi nhiều nước châu Âu vẫn siết chặt an ninh tại biên giới.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo hỗ trợ khẩn cấp 48 triệu Euro cho Bỉ, Thụy Điển, Phần Lan để tiếp nhận người tị nạn. Khoản hỗ trợ này sẽ giúp các quốc gia cải thiện điều kiện đón tiếp, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người nhập cư. Trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã giải ngân 222 triệu Euro hỗ trợ khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng người nhập cư.
2. Năm 2015, Nga đã quay trở lại Trung Đông một cách ngoạn mục, chiếm lấy một vị thế quan trọng trong ván cờ chính trị ở khu vực này.
Hôm 22-12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bàn về việc hợp tác chống khủng bố, trong đó có nhắc đến tình hình Syria. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục mở các cuộc đàm phán giữa các phe phái ở Syria dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc; cần phải tiếp tục cuộc chiến không khoan nhượng chống lại tổ chức khủng bố khét tiếng IS và những nhóm cực đoan khác đang hoạt động tại Syria.
Sau cuộc điện đàm, Moscow và Tel Aviv đều nhất trí sẽ duy trì các cuộc đối thoại giữa 2 bên ở các cấp khác, trong đó có mục tiêu cùng hành động trên mặt trận chống khủng bố. Thủ tướng Netanyahu cũng đã thăm Moscow hồi tháng 9-2015, ngay sau khi Nga can dự quân sự vào Syria nhằm thiết lập cơ chế phòng ngừa nguy cơ va chạm giữa các chiến đấu cơ của Nga và Israel trên bầu trời Syria. Hai nhà lãnh đạo này cũng gặp nhau bên lề Hội nghị của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) vừa qua.
Trong khi đó, Israel là một đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông và Mỹ từ lâu đã được xem như là người bảo vệ chính cho Israel, cả trong lĩnh vực quân sự lẫn ở Liên hiệp quốc. Tuy nhiên thời gian gần đây, quan hệ giữa Israel và Mỹ lại ở trong một giai đoạn khó khăn do một vài mâu thuẫn. Một chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế nhấn mạnh, lúc này Mỹ có thể tạm nghỉ và để cho một quốc gia khác trở thành “người bảo vệ” Israel. Không một sự lựa chọn nào khác thích hợp hơn là Nga.
Quay về quá khứ, khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, ông đã có nhiều động thái quan trọng nhằm cải thiện mối quan hệ Nga-Israel. Bên cạnh đó, chính quyền Moscow và Tel Aviv đều cùng chia sẻ một lập trường cứng rắn đối với khủng bố Hồi giáo… Tham vọng của ông Putin muốn đưa Nga quay trở lại chiếm lấy vị thế quan trọng trong ván cờ chính trị ở khu vực này dần thành hiện thực trong năm 2015, kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Moscow đã mất dần ảnh hưởng của mình tại Trung Đông, nơi mà Liên Xô cũ đã đầu tư rất nhiều.
P.V