Vấn đề hôm nay:

Chủ động sản xuất vụ Đông-Xuân!

(NTO) Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã và đang khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ mùa để tập trung vào vụ Đông-Xuân- vụ sản xuất chính trong năm với nhiều hứa hẹn sẽ đạt hiệu quả cao để có thể bù đắp cho vụ hè- thu, nhất là vụ mùa được xem là nhiều rủi ro nhất trong năm.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục “gieo rắc” hậu quả và có khả năng sẽ đạt cường độ mạnh bằng kỷ lục của các năm 1997,1998 và sẽ kéo dài đến tháng 6/2016. Mùa mưa đến muộn nhưng lại kết thúc sớm, đặc biệt là khu vực Trung bộ lượng nước mưa sẽ thiếu hụt từ 30-50%... Có thể nói, dự báo nêu trên đã sớm trở thành hiện thực, bởi đúng ra tại thời điểm này nếu “mưa thuận gió hòa” thì mực nước trữ tại các hồ chứa đã rất dồi dào, đủ để cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích trong tỉnh. Tuy nhiên, tính đến tháng 12 này lượng mưa thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Theo tính toán, tổng lượng mưa từ đầu năm đến nay vùng đồng bằng chỉ gần 600 mm, vùng núi là gần 762 mm mà thôi!

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chuyển đổi ruộng lúa sang trồng bắp lai vụ Đông- Xuân 2015- 2016.
Ảnh: Sơn Ngọc

Với lượng mưa nêu trên cũng chỉ đủ tạo độ ẩm cho cỏ tự nhiên tái sinh đồng thời cải thiện một phần lượng nước tích tại các hồ đập trong tỉnh. Trước thực tế đó, theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, vụ Đông-Xuân 2015-2016 tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh dự kiến chỉ đạt 20.455 ha. Trong số này, cây lúa 13.350 ha, cây màu 7.105 ha, như vậy toàn tỉnh sẽ có gần 5.000 ha phải tiếp tục dừng sản xuất, trong đó có gần 2.970 ha lúa và trên 3.030 ha cây màu.

Cân phân mà nói, trước tình hình hạn hán gay gắt từ đầu năm đến nay đã làm cho gần 21.760 ha của 3 vụ trong năm phải ngừng sản xuất, trong đó cao nhất là vụ Hè-Thu do thiếu nước nên phải “phơi đồng” hơn 10.230 ha. Trước tình hình trên Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung kinh phí để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với dung tích trữ nước trên 200 triệu m3, theo đó giai đoạn 1 của hệ thống thủy lợi nêu trên có nhiệm vụ tưới cho 6.800 ha đất canh tác và dự kiến nếu thuận lợi cũng phải đến năm 2017 mới đưa vào khai thác. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với tỉnh ta là bằng kinh nghiệm ứng phó với hạn từ giữa năm 2014 đến nay, các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp sản xuất trên cơ sở sử dụng nước tiết kiệm cho từng loại cây trồng theo từng vùng sản xuất... để giảm thiệt hại cho sản xuất của các nông hộ. Một trong những giải pháp hiệu quả là tiếp tục chuyển đổi cây trồng trong vụ Đông-Xuân. Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp, dự kiến sẽ chuyển đổi trên nền đất lúa thường thiếu hụt từ 2-3 lứa nước trên dưới 1.500 ha để chuyển sang trồng bắp, đậu xanh và cỏ để vừa tạo thu nhập, vừa có phụ phẩm để làm thức ăn cho gia súc. Mặt khác, mở rộng ứng dụng các mô hình tưới hiện đại, công nghệ cao, tưới tiết kiệm nước… cho cây trồng để vừa bảo đảm có nguồn nước dự trữ, vừa đạt hiệu quả kinh tế trong mùa hạn.