Cây chuối có mặt tại vùng đất Phước Bình đã lâu, nhưng trước đây do người dân chỉ trồng rải rác quanh nhà, nên cho thu nhập không đáng kể. Để giúp người dân phát triển loại cây trồng này theo hướng sản xuất hàng hóa, vài năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi những diện tích đất rẫy trước đây từng trồng bắp, đậu xanh không hiệu quả, sang trồng chuối. Không những vậy, địa phương còn phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên đến nay có rất nhiều người dân tham gia trồng cây chuối.
Nông dân Phước Bình thoát nghèo bền vững nhờ trồng chuối.
Tính đến nay, toàn xã đã phát triển được 741ha cây chuối, tăng 64ha so với năm 2014. Do đây là loại cây dễ trồng, chi phí thấp, ít sâu bệnh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và địa hình đồi núi Phước Bình, nên hằng năm cây chuối cho năng suất khá cao. Ông Pi Năng Văn, thôn Bạc Rây 2, phấn khởi nói: Trước đây, gia đình trồng chuối chủ yếu để ăn hoặc ra quán đổi lấy hàng hóa về dùng, nhưng từ khi được chính quyền địa phương vận động trồng chuối, cán bộ đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình đã mở rộng diện tích vườn chuối lên 2ha. Bình quân mỗi tháng thu hoạch gần 1 tấn chuối buồng, với giá bán bình quân 2.500-3.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Theo người dân trồng chuối cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, 1ha chuối hàng năm có thể cho năng suất khoảng 10 tấn, so với các cây trồng khác thì cây chuối mang lại hiệu quả rất lớn. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, khi chuối Phước Bình được thương lái các nơi biết đến tìm về tận nơi thu mua, địa phương đã đưa cấy chuối trở thành cây trồng chủ lực để ưu tiên vận động người dân phát triển. Nhờ vào cây chuối, nhiều hộ gia đình không chỉ vươn lên thoát nghèo, mà còn trở thành hộ khá của địa phương. Điển hình như các hộ: Katơr Hộp, Katơr Hai, Katơr Đu…, nhờ đầu tư phát triển trồng cây chuối mà mỗi năm có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Thương hiệu chuối Phước Bình hiện đang “rất nổi” và đã trở thành mặt hàng có giá trị. Hiện nay, mỗi ngày địa phương có ít nhất 5 thương lái về tận thôn thu mua chuối của bà con để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Anh Nguyễn Văn Linh, người thu mua chuối, cho biết: Chuối Phước Bình vừa ngon và bảo quản được lâu nên được nhiều người ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày chúng tôi thu gom được 5-6 tấn chuối để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh như Đồng Nai, Khánh Hòa và có khi còn cung cấp sang cả thị trường Trung Quốc.
Để đưa cây chuối thực sự trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân thoát nghèo bền vững, theo đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Bình, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng chuối, địa phương kiến nghị huyện phối hợp các sở, ngành của tỉnh để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chuối. Bên cạnh đó, địa phương kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy ép chuối tại địa bàn xã để nâng cao giá trị sản phẩm chuối, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tiến Mạnh