Đồng chí Tạ Yên Úc, Chủ tịch UBND xã Phước Hà, cho biết: Trong quá trình triển khai mô hình, bà con địa phương được cán bộ kỹ thuật huyện “cầm tay chỉ việc” nên tiếp thu rất nhanh, từ đó truyền đạt kinh nghiệm cho nhau làm theo đạt hiệu quả. Từ 5 ha được áp dụng theo phương pháp ICM thí điểm ở thôn Giá, đến nay mô hình này đã được nhân rộng lên 25ha.
Bà con Raglai Phước Hà thu hoạch lúa.
ICM là phương pháp canh tác mới, mang tính hệ thống, gắn kết giữa quản lý dịch bệnh cây trồng và quản lý dinh dưỡng thông qua kỹ năng của người sản xuất. Không những vậy, khi áp dụng mô hình này, bà con trồng lúa còn giảm được nhiều chi phí đầu tư, như: Số lượng giống gieo sạ giảm từ 50-100 kg/ha so với ruộng đối chứng, tiết kiệm được lượng phân đạm từ 20-40 kg, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật…
Đến thăm Phước Hà vào đúng thời điểm bà con đang thu hoạch lúa vụ mùa, chúng tôi nhận thấy, niềm vui của bà con thể hiện rõ trên khuôn mặt. Mặc dù sản xuất lúa trong điều kiện thời tiết nắng hạn, nhưng năm nay năng suất lúa vẫn đạt khá cao, bình quân từ 6-6,5 tấn/ha, tăng từ 1- 1,5 tấn/ha so với việc trồng lúa theo kiểu truyền thống trước đây.
Ông Pa Tâu A Xá Ta, thôn Giá, chia sẻ: Gia đình làm 2,5 sào lúa theo mô hình ICM. Hiện nay đã thu hoạch xong, năng suất đạt hơn 6 tạ/sào, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ lãi từ
4-4,5 triệu đồng. Hay như chị Chamaléa Thị Xó, thôn Rồ Ôn, với 1,5 sào lúa nhờ áp dụng mô hình ICM nên vụ nào cũng cho năng suất cao vì thế lợi nhuận đủ trang trải cho gia đình, không phải lo thiếu ăn như những năm về trước.
Đồng chí Tạ Yên Úc chia sẻ thêm: Việc áp dụng thành công mô hình ICM không chỉ giúp bà con địa phương thay đổi tập quán canh tác truyền thống, mà còn biết áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hồng Lâm