Theo kết quả điều tra, khảo sát, cuối năm 2013, toàn tỉnh có 132 thôn/36 xã, thị trấn có đối tượng thực hiện đề án trên. Trong đó, có 73 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, gồm 56 thôn nằm trong địa bàn 15 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III), 17 thôn còn lại thuộc địa bàn một số xã thuộc khu vực I và khu vực II.
Lực lượng thanh niên Ban Chỉ huy quân sự huyện Bác Ái
giúp người dân thôn Ma Oai, Xã Phước Thắng cải tạo đất sản xuất.
Qua rà soát thực tế, có 3.033 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích cần hỗ trợ khoảng 1.024ha trên địa bàn 6 huyện, thành phố. Trong đó, huyện miền núi Bác Ái là địa phương có tình trạng thiếu đất sản xuất lớn nhất, với 1.237 hộ tại 9 xã, tổng diện tích đất cần hỗ trợ trên 390ha; riêng địa bàn huyện Ninh Hải không có tình trạng thiếu đất sản xuất. Qua tìm hiểu, nguyên nhân thiếu đất sản xuất là do số hộ nghèo mới tách hộ tăng, một phần do thiên tai, lũ lụt làm sạt lở, xói mòn dẫn đến tình trạng mất đất sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó là việc thu hồi đất xây dựng các công trình hồ chứa nước...
Trước thực trạng này, nhiều phương án đã được đưa ra tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương, trong đó chủ yếu là hỗ trợ cho đồng bào khai hoang, san lấp, cải tạo, phục hóa đất sản xuất ở những khu vực còn quỹ đất cấp hoặc quy hoạch đất lâm nghiệp giao lại cho bà con cải tạo, phục hóa, ổn định sản xuất lâu dài. Điển hình như ở huyện Bác Ái, chính quyền các xã Phước Thắng, Phước Thành, Phước Hòa, Phước Tiến theo kế hoạch dự kiến sẽ khai hoang đất lâm nghiệp để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất. Đối với các xã khác thì tiến hành tuyên truyền, vận động Nhân dân khai hoang, phục hóa quỹ đất hiện có của gia đình, quỹ đất trong các khu sản xuất còn khai hóa được để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Hay ở huyện Ninh Sơn, đối với xã Lương Sơn thì quy hoạch khu đất lâm nghiệp Hòn Bà, Hòn Vàng để giao cho các hộ thiếu đất sản xuất; xã Ma Nới thì dự kiến quy hoạch khu vực đất Chà Lan (thôn Hà Dài) để giao cho những hộ thiếu đất sản xuất với diện tích khoảng 100-200ha…; còn ở huyện Thuận Nam, đối với 2 xã Phước Nam và Phước Ninh dự kiến sẽ thu hồi đất công ích của các xã để cải tạo phục hóa cấp lại cho bà con hộ nghèo…
Các giải pháp là thế, tuy nhiên đến nay, qua 2 năm thực hiện việc cấp hỗ trợ đất sản xuất cho bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tính đến cuối tháng 8- 2015, các địa phương mới chỉ thực hiện hỗ trợ cấp đất sản xuất cho 212 hộ, chủ yếu ở 3 huyện Bác Ái, Thuận Bắc và Thuận Nam, với diện tích khoảng 100ha. Một số địa phương vẫn chưa thực hiện được giải pháp cấp đất sản xuất cho bà con do còn nhiều vướng mắc.
Ông Trần Văn Lực, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Mặc dù các địa phương đã có nhiều giải pháp đưa ra, nhưng qua rà soát từ hiện trạng đất trên địa bàn tỉnh thì rất khó để thực hiện việc hỗ trợ đất sản xuất cho người dân đạt hiệu quả theo đề án. Thực tế, hiện nay tại một số địa phương quỹ đất dường như không còn, một số vùng thì mặc dù có đất sản xuất, nhưng đất xấu, chủ yếu là đất ở các triền núi, có độ dốc cao không chủ động nước, nếu khai hoang, phục hóa cấp cho người dân cũng rất khó để sản xuất. Hiện trạng đất lâm nghiệp xen lẫn đất nông nghiệp tại một số địa phương vẫn chưa được quy hoạch rõ ràng, còn chồng chéo.
Cũng theo ông Lực, thời gian thực hiện Đề án Hỗ trợ các chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg đến cuối năm 2015 là kết thúc, nhưng do vẫn còn rất nhiều hộ thiếu đất sản xuất chưa được cấp theo đề án, nên giải pháp đối với những hộ này là thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề. Theo đó, các hộ chưa có đất sản xuất nếu có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ và được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội không quá 15 triệu đồng, với mức lãi suất bằng 0,1% tháng, trong thời gian 5 năm. Như vậy, từ nguồn vốn được hỗ trợ 20 triệu đồng, các hộ chưa có đất sản xuất có thể chuyển sang mua con giống để phát triển chăn nuôi.
Được biết, qua rà soát, tính đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có gần 1.320 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề để phát triển chăn nuôi.
Nguyễn Sơn