Nhìn lại năm 2015: Kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

(NTO) Theo báo cáo của ngành NN&PTNT về kết quả đạt được qua hơn 1 năm thực hiện tái cơ cấu trong ngành đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Nổi lên là đã xây dựng hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển các ngành sản xuất, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của từng địa phương, từng loại cây trồng, vật nuôi, có thị trường tiêu thụ ổn định; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, đảm bảo sản xuất có hiệu quả.

Thông qua tái cơ cấu nội ngành về sản xuất lúa, đã nhân rộng được mô hình “1 phải, 5 giảm” với quy mô gần 4.500ha/vụ, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gạo sạch ở xã Phước Hữu (Ninh Phước), tăng lợi nhuận thêm 6,4 triệu đồng/ha. Đối với sản xuất các loại cây ăn trái đặc thù của tỉnh như nho, táo cũng đã thực hiện lại từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, thu mua. Theo đó, đã hình thành 3 vùng nho sạch ở Văn Sơn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Khánh Hải (Ninh Hải), Nhơn Sơn (Ninh Sơn) sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đến tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân xã Bắc Phong ứng dụng thiết bị cơ giới vào thu hoạch lúa vụ mùa 2015. Ảnh: Văn Miên

Tuy vậy, ngành Nông nghiệp cũng thừa nhận quá trình thực hiện tái cơ cấu còn gặp lúng túng, chưa tạo được bước “đột phá” có tính chiến lược. Để đạt mục tiêu về nâng cao thu nhập cho nông dân cần phải đẩy mạnh áp dụng khoa học-công nghệ vào trồng trọt và chăn nuôi, nhưng với hạn chế của nền sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, điều đó khó thực hiện được. Tỉnh ta có thế mạnh về trồng nho, nhưng vẫn đang còn những tồn tại chưa tháo gỡ được, cụ thể như sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năng suất tăng chậm, chưa hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ, khiến cho thu nhập của nông dân bấp bênh. Tuy tổng diện tích cây nho trên 1.000ha là khá lớn, nhưng thực chất mỗi hộ chỉ sản xuất vài ba sào. Với kiểu sản xuất manh mún này, không thể tạo ra khối lượng hàng hóa ổn định, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Ảnh: Sơn Ngọc

Theo Bà Bùi Thị Anh Vân, đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNN,: Để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đạt hiệu quả phải xác định được đâu là khâu then chốt cần làm trước. Nên bắt đầu từ tổ chức lại hình thức sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết; trong đó, nông dân và doanh nghiệp là đối tượng chính tạo nên sự thành công. Cũng theo bà Bùi Thị Anh Vân, tỉnh ta có thế mạnh về sản xuất tôm giống và tôm thịt, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng tôm khá cao, vì thế ngành Nông nghiệp nên chọn lĩnh vực này làm bước “đột phá” trong việc tổ chức lại sản xuất, sau đó áp dụng mô hình cho các đối tượng cây trồng, vật nuôi khác. Cơ sở để đưa ra đề xuất này là ngành nuôi trồng thủy sản thời gian qua đạt được nhiều kết quả nhờ chú trọng thâm canh tăng năng suất, đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái. Các cá nhân, tổ chức nuôi tôm nước lợ đã tiên phong trong áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, đạt năng suất cao. Cụ thể, mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP” thực hiện tại xã An Hải (Ninh Phước) năng suất đạt 15 tấn/ha, có vụ đạt 40-60 tấn/ha, cao hơn nhiều lần so với cách nuôi truyền thống. Đặc biệt, hiện nay đã hình thành Hội Nuôi tôm G9, đây được xem là mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến, có sự liên kết, điều hành chặt chẽ. Hình thức hoạt động của Hội là hợp tác với nông dân có ao, đìa, sản xuất tập trung quy mô hơn 100ha, nuôi thâm canh công nghệ cao theo chuỗi khép kín.

Con đường hướng tới thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp đã được định hình. Một thuận lợi nữa là tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, nguồn lực về con người và tài nguyên đất đai dồi dào để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là điều kiện nguồn lực ngân sách hạn hẹp, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nông dân, nhưng chính họ chưa chủ động tham gia.