Đồng chí Trần Thi, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đầu tiên tham dự Quốc hội khóa I (1946-1960)

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, đã quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17-10-1945, Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử phải được tiến hành theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cuộc Tổng tuyển cử vào ngày Chủ nhật, 6-1-1946. Thực hiện chủ trương này, từ tháng 12-1945, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã diễn ra cuộc tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Mặt trận Việt Minh và Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp tích cực tiến hành công tác vận động quần chúng chuẩn bị bầu cử Quốc hội chung của cả nước. Cán bộ Việt Minh xuống các làng giải thích cho đồng bào hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, nói rõ vinh dự và trách nhiệm của người dân khi cầm lá phiếu trong tay. Các tổ chức bình dân học vụ tăng cường dạy học suốt ngày đêm để Nhân dân có thể đọc và viết tên người mình chọn vào lá phiếu của mình.

Tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận gồm có các ông: Trần Thi (Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930); Võ Liêm Sơn (Nhân sỹ yêu nước); Lưu Ai (Đại biểu dân tộc Chăm) và Tham tá Vân (Đại biểu tư sản dân tộc). Để tham khảo và giải đáp một số ý kiến của cử tri, Mặt trận Việt Minh tỉnh đã tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa ứng cử viên với cử tri ở nhiều nơi trong tỉnh. Tại Phan Rang-Tháp Chàm, các ứng cử viên gặp gỡ cử tri ở khách sạn Rô-jăng-tan (nay là đầu đường 16 Tháng 4, giáp với đường Thống Nhất). Trong cuộc gặp mặt, cử tri Phan Rang-Tháp Chàm đưa ra nhiều câu hỏi chất vấn các ứng cử viên như: Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ bao giờ thắng lợi? Chủ trương của Chính phủ về tăng gia sản xuất? Cụ Võ Liêm Sơn thay mặt các ứng cử viên trả lời: “Cách mạng Tháng Tám thành công do dân mà có, chính quyền dân chủ nhân dân do dân lập ra. Bây giờ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ bao giờ thành công, ngắn hay dài, nhanh hay chậm cũng do dân quyết định…”.

Ngày 6-1-1946, ngày bầu cử Quốc hội, thực sự là một ngày hội lớn của nhân dân cả nước. Lần đầu tiên người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Tại tỉnh Ninh Thuận, ngay từ sáng sớm, từng đoàn người tập hợp theo giới hoặc đơn vị bầu cử mình, mang băng cờ, khẩu hiệu đỏ thắm khắp phố phường, nô nức kéo nhau đi đến các địa điểm bầu cử để bỏ phiếu. Hơn 90% cử tri Ninh Thuận đã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội của địa phương mình. Theo tỷ lệ chọn đại biểu Quốc hội bấy giờ, với số dân gần 100.000 người, Ninh Thuận được bầu 2 đại biểu. Kết quả cuộc bầu cử là đồng chí Trần Thi và ông Lưu Ai do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đã trúng cử đại biểu Quốc hội.

Thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở Ninh Thuận đã biểu thị lòng yêu nước nồng nàn và niềm tin tưởng của nhân dân địa phương đối với Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng.

Cuối tháng 1-1946, các đại biểu Quốc hội lên đường ra Hà Nội dự phiên họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian này do tình hình Ninh Thuận bị quân Pháp xâm chiếm trở lại từ ngày 28-1-1946, các tuyến đường giao thông quan trọng trong tỉnh nằm dưới sự kiểm soát của quân Pháp, nên các đại biểu Quốc hội phải vượt rừng núi đi bộ từ Ninh Thuận ra đến Tuy Hòa mới có xe lửa về Hà Nội. Ông Lưu Ai vì tuổi cao sức yếu không đi được, chỉ có đồng chí Trần Thi lên đường vào ngày 4-2-1946 để dự họp Quốc hội.

Đồng chí Trần Thi đến Hà Nội vào ngày 3-3-1946, đúng ngày triệu tập họp phiên đầu tiên của Quốc hội như dự kiến, nhưng do điều kiện bí mật nên Quốc hội họp sớm hơn, vào ngày 2-3-1946. Do vậy, đồng chí dự họp Quốc hội trễ 1 ngày, nhưng điều vinh dự và vui sướng nhất đối với đồng chí Trần Thi là được ăn cơm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được báo cáo công việc, phản ảnh tình hình kháng chiến của tỉnh Ninh Thuận với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Đồng chí Trần Thi, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận được lưu nhiệm tham dự các hoạt động của Quốc hội khóa II, III và đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, cho đến khi lâm bệnh và mất vào tháng 1-1967. Chính do hoàn cảnh chiến tranh chi phối nên từ Quốc hội khóa I đến khóa III chỉ có một đại biểu Ninh Thuận tham gia.

Theo “Hoạt động của ĐBQH tỉnh Ninh Thuận qua các nhiệm kỳ”