Hành trình đến ngày Tổng tuyển cử đầu tiên

Để có được ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946) là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là hành trình đấu tranh gian khổ, ngoan cường, bền bỉ của cả dân tộc Việt Nam.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vào ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng (do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra) được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngày 27-8-1945, Chính phủ đã ra Lời tuyên cáo nói rõ: “Chính phủ lâm thời... thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức”.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, đặt cơ sở pháp lý quan trọng, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính phủ lâm thời là cơ quan điều hành nhà nước cao nhất giữ trọng trách lịch sử chỉ đạo toàn dân thực thi các nhiệm vụ cấp bách về nội trị, ngoại giao, về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội..., đợi đến ngày bầu Quốc hội để cử ra một Chính phủ chính thức, hợp pháp, hợp hiến.

 
Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sau cuộc tổng tuyển cử trong cả nước năm 1946,
Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước - Ảnh: Tư liệu

Việc ban hành Hiến pháp, thành lập Chính phủ chính thức là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền của nhân dân. Vì vậy, ngày 3-9-1945, một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ: “Tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử...”. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.

Tiếp đó, ngày 26-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17-10-1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín... Việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội... hết sức khó khăn.

Cuộc Tổng tuyển cử lúc đầu được dự kiến là ngày 23-12-1945, nhưng gặp phải sự chống đối của Việt quốc, Việt cách. Để thực hiện chủ trương thống nhất và hòa giải nhằm tạo bầu không khí ổn định cho Tổng tuyển cử; đồng thời, để có thêm thời gian cho công tác chuẩn bị, nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử, ngày 18-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày chủ nhật, 6-1-1946.

Ngày 1-1-1946, Chính phủ lâm thời đã cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thêm thành phần Chính phủ để thực hiện mục tiêu lớn là làm cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công tốt đẹp và chuẩn bị sẵn sàng việc họp Quốc hội.

Tiếp đó, ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn: “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng ấy, ngày 6-1-1946, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã nô nức đi thực hiện quyền công dân và nghĩa vụ thiêng liêng của mình, bầu ra đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân