Hoạt động của các phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xây dựng chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Sáng 10/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ LĐTB&XH và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị “Bàn biện pháp giảm nghèo nhanh và bền vững 6 tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc”. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thành công trong công tác giảm nghèo trong gần 2 thập kỷ qua là kết quả tăng trưởng kinh tế nhanh và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị khi luôn đặt công tác giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu của quốc gia. Trong đó, các địa phương trong vùng Tây Bắc có nhiều nỗ lực và đạt được thành tích giảm nghèo nhanh nhất cả nước.

Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, đất sản xuất, hạ tầng cơ sở còn thấp, trình độ dân trí chưa cao nên tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc vẫn cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước và có nguy cơ khoảng cách này ngày càng cao.

Theo Phó Thủ tướng, nếu xét tiêu chí mới về chuẩn nghèo đa chiều tại Quyết định 59/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/11/2015, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, bao gồm cả y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin thì tỉ lệ hộ nghèo còn cao hơn nhiều và sự nghiệp giảm nghèo sẽ còn khó khăn hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải nhìn nhận rõ tỉ lệ nghèo của vùng còn cao thì trách nhiệm này trước hết thuộc về các cấp lãnh đạo. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa phát triển KT-XH vùng Tây Bắc trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng như du lịch, lâm nghiệp, nông nghiệp (trong đó có chăn nuôi đại gia súc), kinh tế biên mậu với các giải pháp đồng bộ, bền vững để phát huy lợi thế so sánh của vùng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề, coi đây là giải pháp căn cơ hơn hết trong xóa nghèo.

Phó Thủ tướng chỉ rõ cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động để nhân dân tự vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại, an phận trong một bộ phận nhân dân.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì và phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc; tập trung nguồn lực hơn cho vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng lõi nghèo của Tây Bắc.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH cùng các bộ, ngành khác tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo hiện nay, xây dựng đồng bộ chương trình, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo (trong đó có 6 tỉnh nghèo nhất Tây Bắc).

Cấp ủy và chính quyền địa phương cần giải quyết rốt ráo đất ở, đất sản xuất, đất rừng cho người dân, đồng thời địa phương xây dựng nghị quyết chuyên đề về vấn đề này với chương trình hành động cụ thể, có sự giám sát, đánh giá của HĐND.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý toàn vùng đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Bầu cử HĐND sắp tới phải làm chặt chẽ, không để kẻ xấu phá hoại.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Nâng hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại nhà máy nhiệt điện đốt than có ý nghĩa lớn

Nay 10/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dự và phát biểu tại hội nghị công bố kết quả triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu công nghệ đốt than trộn của than khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam”.

Báo cáo về đề tài, nhóm nghiên cứu cho biết đã thử nghiệm thành công ngay trong lần đầu tiên khi tiến hành trộn than á bitum của Indonesia với than antraxit của Việt Nam và cách làm này đã giảm chỉ tiêu xấu của than nội địa (như giảm lượng tro), từ đó cải thiện quá trình cháy, tăng hiệu suất cháy và giảm lượng than tiêu thụ. Quá trình thí nghiệm đã được triển khai tại Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình và cho ra kết quả tích cực (hiệu suất cháy đã tăng 1%, có trường hợp tăng tới 5%).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa của đề tài nghiên cứu trên. Việc tìm ra phương thức trộn than sẽ đảm bảo mục tiêu kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy, giúp các nhà máy chủ động hơn trong tìm kiếm các nguồn nhiên liệu. Đề án là cơ sở khoa học ứng dụng để các nhà máy tham khảo tìm ra phương án vận hành tối ưu hơn, cũng như các nhà quản lý có thêm những cơ sở để hoạch định quy hoạch, phương án cân bằng nguồn than cũng như năng lượng quốc gia nói chung.

Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học tiếp thu các ý kiến, kiểm nghiệm đề tài, đưa thêm cách tính hiệu quả về tài chính trong báo cáo, đồng thời, khuyến khích các đề án tương tự, đẩy mạnh khoa học-công nghệ phục vụ phát triển, gia tăng giá trị sản xuất, giảm thải hiệu ứng nhà kính, đảm bảo gìn giữ môi trường.

Kết quả của đề tài này sẽ là cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm hoàn thiện chế độ vận hành tối ưu khi chuyển từ than antraxit sang than trộn. Những nhà máy nhiệt điện than được thiết kế để đốt than nhập khẩu cũng cần nghiên cứu để áp dụng đốt than trộn, theo hướng giảm bớt lượng than á bitum nhập khẩu và thay bằng than antraxit nội địa.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nam Bộ

Chiều 10/12 tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, bằng các nghị quyết của Trung ương Đảng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nguồn lực dành cho phát triển hạ tầng ở Tây Nam Bộ trong 5 năm qua đã nhiều gấp 2,7 lần so với giai đoạn 5 năm trước. Mức tăng này còn cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước.

“Đây là giai đoạn ngành giao thông vận tải đã huy động mạnh nhất cho kết cấu hạ tầng của vùng”, Phó Thủ tướng nói. Theo đó, tổng kinh phí Trung ương đầu tư cho các công trình giao thông đã hoàn thành trên địa bàn Tây Nam Bộ giai đoạn 2010-2015 là 58.778 tỉ đồng (chưa kể các dự án đang triển khai dở dang).

Sự phát triển nhanh của kết cấu hạ tầng giao thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hành khách, hàng hóa trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Các công trình giao thông đã phá thế ngăn sông cách trở, người dân đi lại từ các tỉnh về TPHCM không phải sử dụng đò như trước đây. Cùng với đó, việc hoàn thành xây dựng hai cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc đã tạo thuận lợi cho giao thông vận tải giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và thế giới.

Bộ GTVT cho biết, trong 5 năm tới, ngoài việc hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang, toàn vùng sẽ huy động khoảng 86.319 tỉ đồng để triển khai mới các dự án, trong đó tập trung đầu tư cho đường bộ với 65.000 tỉ đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Bộ GTVT tiếp tục rà soát lại quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của vùng “ở tầm cao hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn theo hướng từng bước hiện đại hóa hạ tầng của vùng”. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng phải tính tới xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối TP.HCM với vùng Tây Nam Bộ để giảm tải cho đường bộ.

Trong phát triển hạ tầng, ngành GTVT cũng phải nghiên cứu, thích ứng với kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng để bảo đảm tính bền vững của công trình, đồng thời góp phần giảm thiểu tác động của tự nhiên tới đời sống của người dân.

“Bộ GTVT tiếp tục hoàn thành các dự án đang thực hiện dở dang để dự án sớm đi vào sử dụng, để hiệu quả càng cao, đặc biệt là các trục chính mang tính kết nối vùng”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu.

Bên cạnh phát triển đường bộ, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GTVT và các địa phương trong vùng tiếp tục phát triển giao thông đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và đặc biệt là đường giao thông nông thôn; kiểm soát, kiểm tra hiệu quả trọng tải và an toàn giao thông trong vùng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính sách cải thiện môi trường kinh doanh phải đi vào cuộc sống

Chiều 10/12, tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh dù hay nhưng không đi vào cuộc sống thì không có ích lợi gì.

Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2015 của Bộ KH&ĐT cho biết cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, hoan nghênh những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đã có sự cải thiện tích cực trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh, hải quan, nộp thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng, nhờ đó thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới được cải thiện.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung nhận xét: Những lĩnh vực có sự cải thiện về thứ hạng chủ yếu do các bộ, cơ quan (Tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã triển khai thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014. Trong khi nhiều chỉ số đề ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 chưa đạt được yêu cầu, thậm chí một số lĩnh vực không có sự cải thiện hoặc giảm bậc.

“Thực tế cho thấy ở các ngành, địa phương mà Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, đôn đốc, giám sát thực thi, đơn vị đó sẽ thực hiện các giải pháp, đạt được kết quả như Nghị quyết đề ra. Ngược lại, gần như việc triển khai trên thực tế chưa đạt yêu cầu, các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết không có chuyển biến đáng kể”, ông Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, hiệp hội, đoàn thể liên quan trong thời gian qua đã vượt qua rất nhiều khó khăn, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, thể hiện rõ sự trăn trở, nhiệt tâm, nỗ lực của các thành viên Hội đồng, các bộ, ngành, tổ chức trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng việc đánh giá triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP trong năm qua cần được nhìn nhận một cách thẳn thắn, cầu thị đối với những bộ, ngành, địa phương thực hiện tích cực và chưa tích cực.

Nhất trí với các ý kiến thành viên Hội đồng về việc cần tiếp tục xây dựng Nghị quyết 19 mới về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho năm 2016, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Nghị quyết có những việc phải làm nhiều năm cần tiếp tục nêu lại; đồng thời xác định những việc tập trung phải làm, trong đó chú ý đến những việc chưa thực hiện được.

“Tinh thần xây dựng Nghị quyết theo hướng bên cạnh những nội dung vĩ mô, mang tính định hướng cần có những nội dung quy định chi tiết, chỉ rõ việc cần làm, có thời hạn cụ thể. Đối với các tiêu chí ở “mức âm” cần tiếp tục tập trung giải quyết, cụ thể cần những văn bản gì, trách nhiệm thuộc ai. Đối với các chỉ số có thể làm tốt hơn nữa, cần đẩy mạnh để thực hiện tốt hơn. Trong Nghị quyết phải nêu rất rõ mối tương quan về tiêu chí cụ thể cũng như cách đánh giá liên quan tới các nghị quyết về cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công. Bên cạnh đó, cần đưa thêm vào một số tiêu chí đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Từ ý kiến các thành viên Hội đồng cho rằng nhiều chính sách được Chính phủ đẩy mạnh nhưng thực thi của các cấp dưới còn nhiều vướng mắc, doanh nghiệp lại ngại góp ý, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục xây dựng cơ chế tiếp thu, xử lý ý kiến, phản hồi của các doanh nghiệp. Việc xây dựng cơ chế này đã được thực hiện nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, tổng hợp lên để đưa ra ý kiến của cộng đồng DN.

“DN nói tinh thần ở trên thì rất tốt, nội dung văn bản ban hành tốt hơn nhưng thực thi ở cấp dưới còn khoảng cách rất lớn. Do vậy, chúng ta phải có cơ chế tiếp nhận, xử lý ý kiến, phản hồi của DN. Nếu cứ ra chính sách hay mà không đi vào cuộc sống thì sẽ không có ích lợi gì”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.