Bàn giải pháp chăn nuôi đại gia súc vùng Tây Bắc

Chiều 10/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2015 và bàn giải pháp về chăn nuôi đại gia súc trong khu vực. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành quả giảm nghèo cũng như mức tăng trưởng GDP rất cao của toàn vùng, lên đến gần 10%, nhiều tỉnh đã thực hiện cải cách hành chính tốt, thu hút đầu tư lớn.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ mỗi địa phương phải có chủ trương, biện pháp cụ thể để xây dựng kế hoạch phát triển, tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp từng vùng, từng địa phương một cách quyết liệt hơn, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề, coi đây là giải pháp căn cơ hơn hết trong xóa nghèo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phó Thủ tướng cũng lưu ý toàn vùng đảm bảo an ninh trật tự, ổn định tình hình, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò già làng, người có uy tín trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Bầu cử HĐND sắp tới phải làm chặt chẽ, không để kẻ xấu phá hoại.

Đối với vấn đề chăn nuôi đại gia súc, tiềm năng là rất lớn nhưng các tỉnh vẫn chủ yếu quan tâm đến trồng trọt mà chưa chú ý đến lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị một số tỉnh cần có quy hoạch chăn nuôi, có đề án phát triển chăn nuôi để tăng số lượng và chất lượng, giảm tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán. Ngoài ra, cải tạo đàn gia súc, gia cầm, đưa chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán thành gia trại, trang trại với năng suất, công nghệ mới…

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp xây dựng đề án phát triển chăn nuôi giai đoạn tới và trình Chính phủ phê duyệt với cơ chế chính sách tạo điều kiện cho lĩnh vực này, có trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, quy mô cấp vùng, đảm bảo cung cấp đủ giống cho vùng Tây Bắc.

Chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến các loại thức ăn từ nguyên liệu sẵn có, đặc biệt là việc ngâm ủ thức ăn cho trâu bò trong mùa đông để phát triển chăn nuôi cả 4 mùa.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc trao đổi với Bộ NN&PTNT nghiên cứu chính sách phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn, triển khai các đề án phát triển nông nghiệp chất lượng cao, chăn nuôi đại gia súc, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Các địa phương vùng Tây Bắc phải chủ động hơn, không trông chờ, coi lợi thế về chăn nuôi trong vùng là lợi thế phải tận dụng tối đa để hội nhập quốc tế, có đề án chăn nuôi cho từng địa phương, nhân rộng mô hình VietGap trong chăn nuôi, chú trọng nâng cao chất lượng giống, quảng bá sản phẩm tốt hơn, gắn sản xuất với tiêu thụ, sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần, trong đó phải phát huy mô hình nhập khẩu giống bò sữa, phối giống năng suất.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết, năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2011-2015, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng toàn vùng Tây Bắc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân toàn vùng đạt 9,97%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,4 triệu đồng, tăng 2,1 triệu đồng so với năm 2014; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 30,4 nghìn tỉ đồng (tăng 7,34%); chi ngân sách Nhà nước trên 99,2 nghìn tỉ đồng (bằng 97,9% so với năm trước); tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 83,1 nghìn tỉ đồng (tăng 4,3%), sản lượng lương thực đạt 4,1 triệu tấn, bình quân lương thực đạt 456 kg/người/năm; tỉ lệ che phủ rừng đạt 51,8%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt trên 93,9 nghìn tỉ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng tăng 16% so với năm 2014; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 119 nghìn tỉ đồng...

Các mặt văn hóa-xã hội được quan tâm, phát triển với mạng lưới trường lớp được củng cố, chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chuyển biến tích cực. Hiện 100% xã, phường, thị trấn đạt phổ cập giáo dục THCS và tiểu học đúng độ tuổi, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng với 76,3% xã có bác sĩ, bình quân 8,7 bác sĩ/vạn dân...

Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được giữ vững và mở rộng, công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Về trọng tâm công tác năm 2016, Ban Chỉ đạo Tây Bắc xác định cùng với các địa phương trong vùng thực hiện tốt việc rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển vùng Tây Bắc.

Về các giải pháp cho chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn vùng Tây Bắc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho hay Bộ xác định rõ phát triển nông nghiệp là góp phần xóa đói giảm nghèo và đã ban hành các chính sách về phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc.

Bộ trưởng cho rằng, phương thức chăn nuôi trâu, bò thịt, dê chủ yếu là ở nông hộ với quy mô nhỏ, tận dụng thức ăn tự nhiên, nhiều nơi còn thả rông. Do đó, chúng ta cần thay đổi ngay tư duy chăn nuôi gia đình bởi đây là nền chăn nuôi tự cấp, tự túc, không thể tiến lên sản xuất hàng hóa, tạo chuỗi giá trị gia tăng lớn, đem lại lợi nhuận cho người dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh cần mở rộng chăn nuôi lợn và gia cầm, cải tạo đàn trâu nền để nâng cao tầm vóc, chất lượng với việc sẽ tiến hành lập một Trung tâm giống trâu tại khu vực miền núi phía Bắc. Việc giảm quy mô đàn gia súc gần đây chủ yếu có liên quan đến việc thu hẹp diện tích có cỏ và khả năng cạnh tranh về giá cả trên thị trường.

Nguồn www.chinhphu.vn