Hướng tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX

Các phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu trong cả nước

Hiện nay, nhân dân cả nước đang ra sức thực hiện các phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Các ngành, các giới, các lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, tiêu biểu như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Cựu chiến binh gương mẫu"; “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”...

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước hiện nay

Hiện nay, việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng:

- Tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức.

- Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

- Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ, tiến độ triển khai, nhất là đối với các phong trào lớn và mới; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào.

- Gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ đột xuất, cấp bách...

Đổi mới công tác khen thưởng hiện nay

Bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch; coi trọng việc phát hiện, lựa chọn các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng.

- Ðề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng kịp thời và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.

- Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.

- Tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến và thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công lao, thành tích, cống hiến trong các cuộc kháng chiến của dân tộc.

- Chủ động xem xét, khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh của Việt Nam, có nhiều thành tích trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

- Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng.