Nghề trồng người

(NTO) Người ta thường nói nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý là rất đúng. Bởi đó là nghề trồng người. Người giáo viên khi đứng trên bục giảng không chỉ có kiến thức rộng, tầm nhìn sâu mà còn có cả một tấm gương nhân cách và phẩm hạnh.

 Đối với xã hội được nhiều người tôn vinh, trong nhà trường được học trò yêu thương, quý mến. Vì vậy có thể nói nghề dạy học là một niềm tự hào nhưng cũng là một sức ép đối với bản thân thầy, cô giáo.

Con đường đến với tương lai sự nghiệp của mỗi người đều phải đi qua “thời áo trắng học trò”. Mỗi học sinh ví như một hạt giống được gieo nơi mái trường. Còn thầy cô là những người vun dưỡng, chăm sóc cho những hạt giống non trẻ ấy mai này lớn lên sẽ giúp ích cho đời, cho xã hội. Tuy nhiên, không phải hạt giống nào cũng đều như nhau. Dẫu biết rằng làm nghề trồng người thì mỗi thầy, cô giáo tự đặt cho mình một trách nhiệm lớn lao là phải cố gắng hết sức để dìu dắt các em đi đến con đường tương lai với những gì tốt đẹp nhất. Đó cũng chính là niềm âu lo canh cánh bên lòng của mỗi người thầy?

Ngôi trường bao giờ cũng dang vòng tay rộng lớn để nâng niu tất cả từng hạt giống, nhưng vẫn không thể tránh khỏi đâu đó vẫn còn những hạt giống không thể lớn thêm vì hoàn cảnh của gia đình. Đây cũng là nỗi niềm đau đáu của những người làm nghề trồng người, những hạt giống tương lai của mình đang lúc nảy nở lại phải rời xa mái trường, nơi chắp cánh cho những khát khao, mơ ước về phía bến bờ tương lai. Đã không ít lần những giáo viên phải tìm đến tận nhà của các em nghèo mà xin cha mẹ của các em cho các em được đi học trở lại, hoặc hỗ trợ thêm một phần chi phí, dù chính bản thân người thầy cũng chẳng dư dả gì. Nhưng đó là tình người với người, là lương tâm nghề nghiệp. Làm nghề trồng người thì không có gì hạnh phúc hơn là được nhìn những hạt giống mình chăm sóc được trưởng thành và có ích cho xã hội.

Ngày 20 tháng 11 lại về. Xin gởi đến tất cả thầy cô giáo những đóa hoa tươi thắm bằng cả tấm lòng tri ân.