Thành công từ việc chọn phương án thi phù hợp
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, ngay từ tháng 7/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố và xin ý kiến đóng góp của xã hội về 3 phương án thi.
Qua sự đóng góp ý kiến của xã hội nói chung, của các nhà giáo dục, nhà khoa học, các thầy cô giáo phổ thông và giảng viên các trường ĐH, CĐ nói riêng, Bộ GD&ĐT đã quyết định chọn phương án 2 và có cải tiến.
Theo phương án này, để xét tốt nghiệp, học sinh phải thi 4 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ, thêm 1 môn tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử hoặc Địa lý.
Đồng thời tổ chức ở 2 loại cụm thi, loại thứ nhất do các trường ĐH có uy tín chủ trì, dành cho những học sinh vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa dự xét tuyển ĐH; loại thứ hai, dành cho những học sinh chỉ lấy kết quả thi cho xét tốt nghiệp THPT. Cả hai loại cụm thi đều có sự tham gia coi thi, chấm thi của giảng viên các trường ĐH, CĐ.
Đây là phương án được xã hội đánh giá là phù hợp nhất, trước hết là nó gần giống với phương án thi THPT năm 2014, hơn nữa, đảm bảo được tính nghiêm túc khi đặt trọng tâm tổ chức thi giao cho các trường ĐH, mặt khác, đảm bảo được tính công bằng đối với những học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh không có nhu cầu thi đại học mà chỉ thi để tốt tốt nghiệp sẽ thi ở cụm địa phương.
Tuy còn có ý kiến khác nhau, song dư luận xã hội đánh giá kỳ thi năm nay đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ. GS Hoàng Tụy đã khẳng định khi trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại, rằng:
“Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 chứng tỏ ngành Giáo dục đã đi đúng hướng và thực hiện thành công bước đi đột phá đầu tiên trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia vừa qua được thiết kế hợp lý, theo hướng đổi mới, tiến bộ…”.
Kết quả kỳ thi tạo được chuyển biến tích cực
Kết quả kỳ thi đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đánh giá thực chất hơn, khi tỷ lệ tốt nghiệp năm 2015 của cả nước đối với THPT là 93,42%, giảm 5,6% so với năm 2014 là 99,02%, và đối với GDTX là 70,08%, giảm 18,93% so với năm trước là 89,01%.
Về tuyển sinh ĐH, CĐ, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy: tính đến ngày 15/9/2015, các trường đã tuyển được 554.953 thí sinh, đạt 85,74% chỉ tiêu. Theo đó, đạt cao hơn số tuyển được của cả năm 2014 (năm 2014 tuyển được 505 nghìn sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu)
Qua kết quả tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cho thấy, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh ĐH, CĐ đã tạo thuận lợi hơn cho các thí sinh và các trường trong việc tuyển sinh.
Kết quả của việc đăng ký, tổ chức coi, chấm thi, xét tốt nghiệp và tuyển sinh thực hiện bằng hệ thống quản lý online qua mạng, nhưng vẫn đảm bảo được tính bảo mật, an toàn, chính xác là một thành công về mặt công nghệ của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cần phải cải tiến để tối ưu hơn.
Một số vấn đề cần được cải tiến
Trước hết, đó là cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT có sự tham gia 50% điểm trung bình cả năm lớp 12 (ĐTB12). Điều này, theo lý thuyết là kết hợp giữa đánh giá tổng kết (Summative Assessment) kết hợp với đánh giá quá trình/phát triển (Fomative Assessment), theo xu thế của thế giới.
Song đối với Việt Nam thì vô hình trung lại tạo điều kiện cho những học sinh yếu, không đủ chuẩn có thể tốt nghiệp. Sau khi có kết quả thi, chúng tôi có liên hệ với cán bộ phòng khảo thí của một tỉnh miền Trung, cán bộ này cho biết số trường đỗ tốt nghiệp 100% rất ít, tuy nhiên, vẫn có trường đầu vào thấp, chất lượng chưa cao vẫn đỗ 100%, nhờ ĐTB12 quá cao (bình quân ĐTB12 của trường này gần 8.0 điểm).
Cán bộ này cũng cho biết, tính chung sơ bộ có khoảng 10% số thí sinh đỗ tốt nghiệp nhờ vào ĐTB12, cá biệt biệt có trường đỗ tốt nghiệp nhờ điểm này trên 30%.
Qua kết quả thi ở các trường, chúng tôi được biết có thí sinh với điểm thi rất thấp (điểm các môn, toán: 1,75; văn: 3,5; hóa: 2,5; ngoại ngữ: 2,5; điểm khuyến khích 1.0), bình quân 4 môn thi đạt 2,56 điểm, trong khi ĐTB12 là 8,3.
Nhờ vậy, kết quả điểm xét tốt nghiệp theo quy chế là 5,56 điểm và vẫn đỗ tốt nghiệp. Như vậy, đây là chỗ hở của quy chế tốt nghiệp THPT, khi một học sinh có điểm điểm thi ở mức kém vẫn được công nhận tốt nghiệp.
Việc này sẽ dẫn đến hệ lụy là việc kiểm tra, đánh giá ở các trường học (chủ yếu ở các trường có chất lượng thấp) càng ngày càng nới lỏng vì lo sợ học sinh mình thiệt thòi.
Qua tiếp cận với kết quả tốt nghiệp hơn 10 trường THPT của các địa phương vùng Đông Nam Bộ, chúng tôi được biết là độ chênh lệch giữa ĐTB12 và điểm bình quân 4 môn thi có trường rất cao, trên 3,5 điểm, đồng thời ĐTB12 năm nay của tất cả các trường này đều tăng lên so với ĐTB12 của năm trước (trường tăng thấp nhất là 0,18 điểm và tăng cao nhất là 1,64 điểm).
Bên cạnh đó,mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp giữa cụm thi địa phương thấp hơn cụm thi các trường ĐH (84,45% và 94,74%), nhưng dư luận vẫn lo ngại ở mức độ kỷ luật trường thi ở 2 cụm khác nhau, số thí sinh bị kỷ luật lập biên bản toàn quốc là 770 trường hợp, trong đó chủ yếu là ở cụm thi ĐH.
Dư luận vẫn băn khoăn, phải chăng thí sinh ở cụm thi địa phương nghiêm túc hơn thí sinh cụm thi ở trường ĐH, hay là việc coi thi ở cụm địa phương có phần nhẹ nhàng hơn?
Giải pháp cho kỳ thi THPT 2016
Để kỳ thi THPT năm 2016 đạt chất lượng và hiệu quả cao, chúng tôi đề nghị: Thứ nhất, vẫn duy trì lấy ĐTB12 tham gia xét tốt nghiệp, nhưng tỷ lệ thấp hơn (ĐTB12 chỉ chiếm 1/3 chứ không chiếm tỷ lệ 1/2 như năm nay);
Thứ hai, trên cơ sở dữ liệu chung toàn quốc, Bộ GD&ĐT cần có những thống kê, phân tích để đánh giá một cách chính xác kỳ thi, bao nhiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp nhờ điểm thi, bao nhiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp nhờ ĐTB12 và độ chênh lệch giữa ĐTB12 với bình quân điểm thi…
Kết quả phân tích này cần được công khai, minh bạch để nhằm giúp cho phụ huynh học sinh, xã hội, các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương biết thực chất chất lượng các trường, từ đó, chính các trường có giải pháp điều chỉnh việc kiểm tra, đánh giá trường học thực chất hơn (giống như Website Myschool.edu.au của Bộ Giáo dục Úc, thông báo kết quả đánh giá của của gần 10.000 trường phổ thông trên toàn quốc);
Thứ ba, tăng cường kỷ luật khâu coi thi ở cụm thi địa phương, bởi vì, thực tiễn từ phong trào “hai không” trước đây cho thấy, nếu kỷ luật lơi lỏng thì tiêu cực sẽ nảy sinh, điển hình nhất là vụ tiêu cực ở trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012.
Thứ tư, các Sở GD&ĐT cũng cần thống kê, phân tích, so sánh từ kết quả thi của Sở mình để có sự đánh giá các trường sát hơn, nhằm ngăn chặn tình trạng cho điểm kiểm tra quá cao so với thực chất của học sinh.
Và nâng cao tính nghiêm túc, trung thực và công bằng, không chỉ đối với kỳ thi mà ngay cả khâu kiểm tra, đánh giá ở trường phổ thông để không chỉ đảm bảo cho kỳ thi THPT quốc gia đạt chất lượng cao mà còn hướng đến nâng cao chất lượng thật, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại