(NTO) Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, có chiều hướng gia tăng, không ít vụ việc xảy ra nghiêm trọng dẫn đến chết người hoặc thương tật nặng vì những chuyện... không đâu vào đâu của lứa tuổi học trò “ăn chưa no, lo chưa tới”!. Không chỉ có học sinh nam dùng bạo lực mà ngay cả học sinh nữ; không chỉ đối với học sinh THPT mà ngay cả học sinh THCS thậm chí là học sinh tiểu học cũng sẵn sàng "thượng cẳng tay hạ cẳng chân" để “giải quyết mâu thuẫn”!. Vậy nguyên nhân từ đâu?.
Các em học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Sơn Ngọc
Đầu tiên cần đề cập đến là việc giáo dục cho học sinh biết nhường nhịn, khiêm tốn, văn hóa... trong ứng xử với thầy cô, người lớn tuổi, bạn học cùng trang lứa... chưa được “thấm đẫm” để hạn chế “ác” tính. Điều cốt yếu là ý thức ứng xử theo pháp luật gần như chưa định hình rõ nét trong phần lớn học sinh các cấp học. Không lạ gì hình ảnh học sinh đến trường hay tan trường đi hàng ba, hàng tư; tuy chỉ là xe đạp điện nhưng chở hai, chở ba chạy như “bay” lại không đội mũ bảo hiểm bất chấp tai nạn có thể xảy ra với bản thân và người khác... Mặc dù các trường đều tổ chức tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông. Hoặc tình trạng chặn đường đánh nhau vì lý do rất... vu vơ như bị cho là “nhìn đểu”, làm bài kiểm tra bạn không cho... “cópy”. Tình cảm nam nữ nảy sinh trong học đường cũng là nguyên nhân dẫn đến “bạo hành” do... “mến” bạn này, “bỏ” qua bạn kia mà không nghĩ rằng những hành vi dùng vũ lực là trái pháp luật. Đây đó có những phiên tòa xử học sinh cả nam, cả nữ vì hành vi đả thương người khác. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ kia lẽ ra là những học sinh tốt thì ngược lại phải đối mặt với tù tội mà khi chủ tọa phiên tòa hỏi gần như các em đều “ngơ ngác”, không hiểu gì về pháp luật liên quan đến hành vi bản thân gây ra. Thực trạng này là "hệ quả" của công tác đưa giáo dục pháp luật vào trường học chưa thực sự mang lại hiệu quả do thiếu hấp dẫn khi giảng dạy; chưa tổ chức các hoạt động ngoại khóa để gắn sinh hoạt với giáo dục pháp luật; các tủ sách pháp luật tuy có nhưng chưa được chú trọng đầu tư đủ số đầu sách theo quy định để giáo viên và học sinh tham khảo…
Việc đưa nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường không ngoài mục đích cung cấp cho học sinh những kiến thức cần thiết để trên cơ sở đó giúp học sinh có được nhận thức đúng về vai trò, vị trí của pháp luật trong đời sống, từ đó chủ động, tự giác điều chỉnh hành vi của cá nhân và đánh giá được hành vi của người khác theo các quy định của pháp luật. Riêng giáo dục pháp luật ở cấp THPT không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các kiến thức pháp luật, giới thiệu các quy định pháp luật mà còn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục thái độ tôn trọng pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật góp phần hình thành hành vi tự giác chấp hành. Có thể nói,việc giáo dục pháp luật cho học sinh là nhằm chuẩn bị một cách có hệ thống cho thế hệ trẻ vào đời, biết sống và làm việc theo pháp luật, biết xử sự vì lợi ích chung của cộng đồng, lợi ích xã hội và lợi ích của mỗi con người.
Suy cho cùng, giáo dục pháp luật là tạo lập, rèn giũa và mài sáng cái tâm, cái đức trong mỗi con người vậy!.
HH