Dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật trong chương trình Ngữ văn lớp 10

(NTO) Thơ Nôm Đường luật có nhiều tác phẩm được tuyển chọn đọc hiểu trong chương trình Ngữ văn ở nhiều cấp học, từ phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học. Trong chương trình Ngữ văn lớp 10 (chương trình chuẩn và chương trình nâng cao), thơ Nôm Đường luật có hai tác phẩm được chọn đọc hiểu, đó là : “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi và “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Để học sinh tiếp cận hai tác phẩm này theo định hướng phát triển năng lực, chúng tôi xin gợi ý một số biện pháp sau :

1. Dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật theo loại hình tác giả và đặc trưng thể loại

Theo quan điểm của chúng tôi, dạy thơ Nôm Đường luật trong chương trình Ngữ văn lớp 10 theo định hướng phát triển năng lực, trước hết giáo viên cần hướng dẫn học sinh tự trang bị cho mình tri thức về loại hình tác giả (kiểu tác giả) và tri thức đặc trưng thể loại thơ Nôm Đường luật. Bởi khi có tri thức công cụ, các em có “chìa khóa” để mở cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật thơ Nôm Đường luật.

Vậy đặc trưng chung nhất của loại hình tác giả và thể loại thơ Nôm Đường luật là gì ? Làm thơ để tỏ “chí”, “hoài”, “cảm” tạo nên tính đặc thù, phổ quát trong cảm quan của loại hình tác giả văn học trung đại, đặc biệt với kiểu tác giả Nho gia. Và tính chất đời thường, sự giản dị, tinh thần tự do, xu hướng “tâm trạng hóa” ; tính chất “Nôm” không chỉ nằm ở ngôn ngữ mà còn chi phối cả quy luật sáng tạo làm nên bản chất của thể loại thơ Nôm Đường luật.

2. Dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật theo hướng tích hợp liên môn và phân môn

Dạy học tích hợp là một trong những định hướng lớn về đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực. Vì thế, chúng tôi quyết định lựa chọn tích hợp như một biện pháp chủ đạo khi dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật trong chương trình Ngữ văn lớp 10.

Tích hợp liên môn:

Không dừng lại và khép kín ở hai văn bản thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi và “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sách giáo khoa, dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật theo định hướng tích hợp để phát triển năng lực học sinh, nghĩa là giáo viên cần gợi mở cho học sinh nhớ lại kiến thức cũ và từng bước tiếp thu kiến thức mới, nâng cao hiểu biết của cá nhân ở các lĩnh vực khác nhau về lịch sử, xã hội, văn hóa, địa lí, ngôn ngữ, thẩm mĩ, giao tiếp... Để một mặt, phục vụ cho việc khám phá thế giới nghệ thuật thơ Nôm Đường luật, mặt khác giúp các em có năng lực giải quyết các vấn đề tương tự nảy sinh trong thực tiễn khoa học và cuộc sống trước mắt và lâu dài của chính các em.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã thống nhất ý kiến cho rằng thơ Nôm Đường luật không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của nền văn học dân tộc, mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Theo Lã Nhâm Thìn, thơ Nôm Đường luật ra đời, phát triển và đạt được những thành tựu rực rỡ, có ngọn nguồn sâu xa là ý thức độc lập dân tộc, tinh thần dân chủ vốn có trong truyền thống văn hóa Việt Nam, truyền thống dân tộc Việt Nam. Thành tựu rực rỡ của thơ Nôm Đường luật khẳng định sức sống và khả năng phát triển to lớn của ngôn ngữ Việt. Đồng thời, thơ Nôm Đường luật cũng là một minh chứng cho tinh thần chủ động tiếp thu, tiếp thu có chọn lọc của cha ông ta trong mối quan hệ giao lưu với văn hóa, văn học nước ngoài. Dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật trong chương trình Ngữ văn lớp 10 cũng đồng nghĩa với việc giáo dục phẩm chất gìn giữ khí tiết, yêu nước, thương dân và nâng cao năng lực tự cường, tự tôn dân tộc nơi mỗi học sinh.

Tích hợp phân môn:

Tích hợp phân môn được hiểu một cách đơn giản là kết hợp nội dung của các phân môn Văn học, Tiếng Việt và Làm văn trong dạy học Ngữ văn.

Lựa chọn biện pháp dạy học tích hợp đồng nghĩa với việc lựa chọn con đường dạy học phân hóa. Phân hóa nhu cầu, khát vọng tiếp thu tri thức và năng lực học sinh. Tùy theo đối tượng người học, chúng tôi chia thành các nhóm học tập, mỗi nhóm được học theo một nội dung phù hợp với đặc điểm tâm lý, khả năng học tập, cường độ và nhu cầu học tập của các em. Nhờ đó mà phát triển tối đa năng lực của từng học sinh, giúp các em đáp ứng những thử thách đặt ra khác nhau trong học tập và trong cuộc sống.

3. Dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật theo hướng đồng bộ và đa dạng hóa phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

Thực hiện Văn bản số 1470/SGDĐT-GDTrH của Sở Giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 đối với giáo dục trung học, khi dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật trong chương trình Ngữ văn lớp 10, chúng tôi thực hiện đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, nêu vấn đề, nghiên cứu tình huống, thiết kế bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, hội thảo khoa học... được chúng tôi sử dụng linh hoạt, phù hợp với tiến trình dạy học, thời lượng chương trình và đối tượng học sinh. Các hình thức kiểm tra, đánh giá cũng hết sức đa dạng. Có hình thức kiểm tra vấn đáp, kiểm tra viết, câu hỏi tự luận, câu hỏi trắc nghiệm. Có đánh giá thường xuyên, đánh giá tổng kết, đánh giá lớp học và tự đánh giá.

Tóm lại, không dừng lại và khép kín ở hai văn bản thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi và “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong sách giáo khoa, việc xây dựng chủ đề và sử dụng các biện pháp dạy đọc hiểu thơ Nôm Đường luật theo định hướng phát triển năng lực đã giúp học sinh có tri thức công cụ, có khả năng tự đọc hiểu tác phẩm thơ Nôm Đường luật, không chỉ trong chương trình Ngữ văn lớp 10, mà còn có khả năng đọc hiểu tác phẩm thơ Nôm Đường luật trong chương trình Ngữ văn lớp 11 và đọc hiểu tác phẩm thơ Nôm Đường luật ngoài chương trình. Hơn thế, các em còn tự hình thành cho mình năng lực cảm thụ vẻ đẹp thẩm mỹ của thơ Nôm Đường luật nói riêng, thơ ca tiếng Việt nói chung.