Bác Ái: Hiệu quả từ công tác xã hội hóa giáo dục

(NTO) Đến huyện miền núi Bác Ái, chúng tôi ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, môi trường học tập, cũng như công tác dạy và học của thầy và trò các trường miền núi trong năm học này. Kết quả đáng mừng này chính là từ công tác xã hội hóa giáo dục mang lại.

Đóng trên địa bàn xã Phước Thành, những năm học trước, Trường PTDTBT THCS Nguyễn Huệ là cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cũng như công tác duy trì sĩ số học sinh (HS). Hơn 95% HS của trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn rộng, điều kiện kinh tế còn khó khăn và sự quan tâm của phụ huynh đến việc học của con em còn rất hạn chế.

XHHGD giúp học sinh Bác Ái có sân chơi lành mạnh, thân thiện từ vật liệu tái chế.

Bởi vậy để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nâng cấp cơ sở trường lớp… bên cạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao “tay nghề” giáo viên, nhà trường còn chủ động đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD). Thầy giáo Phạm Văn Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Từ năm học 2012-2013 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà trường đã vận động doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí tặng quà, trao học bổng và xây dựng nhà ở bán trú cho HS các lớp, với tổng số tiền trên 285 triệu đồng. Trong đó, có 32 suất học bổng các loại, 10 máy vi tính, 2.065 cuốn sách, 20 giường tầng, 42 chiếc xe đạp, 1,5 tấn gạo, 50 lít dầu ăn, 100 áo khoác… và 100 triệu đồng tiền mặt xây dựng 2 phòng ở nội trú cho HS. Cùng với đó, được sự đóng góp về ngày công, nguyên vật liệu từ người dân, lực lượng thanh niên trong chiến dịch mùa hè xanh, cán bộ, giáo viên của trường còn sửa chữa phòng học, xây dựng nhà ăn cho HS, trồng cây xanh tạo môi trường học tập thân thiện. Nhờ vậy, cơ sở vật chất trường lớp dần được đảm bảo, tỷ lệ HS chuyên cần tăng lên. Năm học 2014-2015, toàn trường có hơn 40% HS có học lực khá, giỏi trở lên, tăng gần 6% so với năm học trước. Những tháng đầu năm học 2015-2016, không có HS nào bỏ học.

Đến thăm Trường TH Phước Bình A (xã Phước Bình), điều ấn tượng đầu tiên là căn nhà truyền thống được xây dựng khang trang với những hình ảnh, tư liệu sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị anh hùng dân tộc và Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh... Trong khuôn viên trường học và một sân chơi thú vị làm bằng vật liệu tái chế. Cô giáo Nguyễn Thị Dịu Dàng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Khuôn viên sinh động, nhiều ý nghĩa này chính là “sản phẩm” từ công tác XHHGD. Ngoài nhà sàn, sân chơi, trường còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ những HS có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ gạo, áo ấm, góp vật liệu, công lao động sửa chữa cơ sở trường lớp, chăm lo chỗ ở và bữa ăn bán trú cho HS... Nhờ vậy, năm học vừa qua tỷ lệ HS đến lớp đạt 99,6%, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên, với trên 96,7% HS lên lớp và hoàn thành chương trình TH.

Đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bác Ái, cho biết: Với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu”, ngành GD&ĐT huyện chủ trương đẩy mạnh công tác XHHGD. Chỉ tính riêng năm học này, từ nguồn XHHGD, phòng đã đầu tư xây dựng 2 nhà bán trú dân nuôi tại Trường PTDTBT THCS Nguyễn Huệ (xã Phước Thành) và Trường PTDTBT THCS Nguyễn Văn Linh (xã Phước Tân); huy động 200 bộ sách giáo khoa, 16.000 cuốn vở, 164 bộ cặp, dụng cụ học tập, 30 bộ máy vi tính, 300 chiếc xe đạp… để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Dự án RVNA99 của tổ chức Oxfam hỗ trợ kinh phí xây dựng sân chơi từ vật liệu tái chế cho 8 trường Mẫu giáo, TH và THCS. Đặc biệt, năm học này, do cấp học Mẫu giáo còn thiếu nhiều giáo viên nên để đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường Mẫu giáo xã Phước Thắng thực hiện XHHGD bằng cách nhờ phụ huynh thay phiên nhau đến trường nấu cơm cho các cháu mỗi ngày. Các trường Mẫu giáo: Phước Đại, Phước Chính, Phước Bình triển khai mô hình nấu món ăn cho các cháu tại trường và vận động phụ huynh chuẩn bị cơm hộp cho con trước khi tới lớp… Việc triển khai thực hiện các mô hình, hoạt động XHHGD đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và xã hội về sự nghiệp giáo dục, tỷ lệ HS đến trường chuyên cần tăng lên, số HS bỏ học giảm, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt.