Theo Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lan rộng, kéo dài là do người dân chủ quan, chưa có ý thức trong phòng bệnh. Minh chứng là trong đợt kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh SXH và Tay-chân-miệng (TCM) trong tháng 10 vừa qua, qua kiểm tra tại 65 hộ gia đình ở 8 xã điểm của bệnh SXH như: Phước Dinh, Phước Nam, Phước Diêm, Cà Ná (Thuận Nam); thị trấn Phước Dân, Phước Hữu (Ninh Phước); Đông Hải, Phước Mỹ (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm), có 51 hộ gia đình dụng cụ chứa nước có lăng quăng; xung quanh khu vực nhà ở của người dân, có nhiều vật phế thải như chai, lọ, chum, lốp bánh xe… đọng nước tạo điều kiện cho muỗi, bọ gậy sinh sản và phát triển…
Khám bệnh cho trẻ bệnh TCM tại Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đối với bệnh TCM, toàn tỉnh ghi nhận 287 ca, xuất hiện tại 50 xã, phường. Tuy nhiên, trên thực tế số ca nhiễm còn cao hơn nhiều vì đây chỉ là con số thống kê từ các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Qua tìm hiểu, nhiều người dân có con em mắc bệnh được đưa đến khám tại các cơ sở khám tư nhân và tự điều trị tại nhà. Cũng qua đợt kiểm tra cho thấy, nhiều hộ dân chưa làm tốt vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, chưa có hệ thống xử lý nước thải; chuồng gia súc và nhà ở gần nhau… là điều kiện thuận lợi cho côn trùng, vi khuẩn phát triển, làm tăng nguy cơ mắc bệnh TCM. Tại một số cơ sở giáo dục mầm non không có hố xử lý rác thải; hầu hết thiếu xà phòng cho giáo viên và học sinh rửa tay. Cá biệt có cơ sở không có nhà vệ sinh cho trẻ… Điều đáng lo ngại là khi được hỏi, nhiều người dân còn không nhận biết các dấu hiệu của bệnh SXH, TCM.
Bên cạnh việc thiếu ý thức của người dân, bệnh SXH, TCM gia tăng còn có một phần nguyên nhân như: Việc thực hiện các văn bản chỉ đạo về phòng, chống bệnh từ tuyến huyện đến cơ sở còn hạn chế; công tác truyền thông chưa mạnh và hiệu quả. Các ban chỉ đạo phòng chống dịch tại các xã, phường chưa phân công cụ thể cho các thành viên; nhân lực hoạt động phòng, chống SXH, TCM mỏng và thường xuyên biến động; hệ thống cộng tác viên y tế tại các thôn hiện nay hầu như hoạt động yếu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh trong thời gian qua.
Theo nhận định của ngành Y tế, hiện đang trong thời điểm bước vào mùa mưa, cộng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh và ý thức cộng đồng chưa cao, dịch bệnh SXH và TCM có nguy cơ gia tăng, kéo dài và lan rộng. Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh SXH, TCM bằng cách vệ sinh cá nhân, môi trường sống sạch sẽ, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là đối với trẻ em. Tuyến y tế từ tỉnh đến cơ sở tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân; tăng cường chiến dịch diệt bọ gậy, làm vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dịch tễ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch tránh để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở điều trị cần chuẩn bị điều kiện nhân lực, vật lực sẵn sàng thu dung điều trị cho bệnh nhân, không để trường hợp biến chứng nặng hoặc tử vong do bệnh SXH, TCM gây ra.
Uyên Thu