Chỉ tại biểu quyết

(NTO) Ai mà chẳng biết chuyện “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, nhưng ông bạn cùng cơ quan thì quả quyết rằng: Mình luôn là người ở kèo dưới cũng vì cái vụ “ba cây chụm lại” (vợ và hai cô con gái) để biểu quyết. Đó là chuyện trong gia đình còn ngoài xã hội, trong cơ quan có khi việc biểu quyết làm thay đổi bản chất một sự việc để rồi người ta cho rằng “chỉ tại biểu quyết”?

Anh bạn kèo dưới than phiền: Tớ tham gia chiến đấu vì Tổ quốc, mười một năm ở Trường Sơn Tây, Trường Sơn Đông. Những năm đầu mới chuyển ngành, đang làm việc thì cơn sốt rét rừng ập đến hành hạ, ít ngày sau “da xanh như tàu lá”. Nỗi khổ sốt rét rừng khi ở Trường Sơn mà cánh lính cảnh báo nhau “một tháng không sốt rét sẽ ăn không ngon, ngủ không yên” (bởi có nguy cơ sốt rét ác tính đe doạ tính mạng), có lẽ vì thế mình “yếu” nên sinh toàn con gái. Vợ mình lại thích cơ chế biểu quyết, tất tần tật chuyện nhỏ, chuyện lớn trong gia đình đều đem ra biểu quyết. Thế nên kiểu gì mình cũng là người phải phục tùng, thôi thì nhịn vợ, nhường con mình để gia đình thêm hạnh phúc có sao đâu. Nhưng việc biểu quyết “xâm phạm” quyền tự do cá nhân thì chịu không được mà cứ phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Những lần như thế vợ mình nói với các con dẻo kẹo “ba ngoan lắm”, cứ như mình là vật nuôi làm cảnh trong nhà vậy. Đỉnh điểm là lần anh em cùng đơn vị tổ chức gặp mặt nhân 50 năm Ngày thành lập Binh Đoàn ở tỉnh bạn. Xe đến nhà đón, vợ biểu “anh ơi, con sốt nóng anh cứ đi sao”, tớ bực mình “ba chuyện con cảm cúm tự xử sao cứ phải tôi”, anh em thấy thế khuyên “ông ở nhà dịp khác cũng được”. Vậy là mất tong cơ hội hàn huyên cùng đồng đội một thời “miếng cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Nhớ lại những lúc trà tam, tửu tứ, cánh bạn nó giễu mình “ông mang gien thỏ đế”, có tức không cơ chứ nhưng suy cho cùng thì “chỉ tại biểu quyết”!?

Nghe chuyện bạn kể tôi tán thưởng: Này, ông đẹp trai nhất nhà luôn luôn được hai công chúa và hoàng hậu chăm sóc khác gì vua, có gì mà tức. Như trúng ý, anh cười vui vẻ “cơ bản là như ông nói nhưng cũng có lúc tức thiệt”. Mà này, chuyện gia đình ông cũng có lý nhưng chuyện khu phố tôi họp dân biểu quyết mới đặc biệt. Chẳng là, khu phố tôi được thành phố chọn làm điểm xây dựng “khu phố văn hoá”, liên tục nhiều năm đạt chuẩn “khu phố văn hoá”. Nhân tổng kết phong trào xây dựng đời sống văn hoá, cấp trên giới thiệu đề cử bình chọn “khu phố văn hoá” tiêu biểu cấp thành phố. Ông trưởng khu phố phấn khởi lắm, ngay lập tức tổ chức họp dân để biểu quyết đề cử (thủ tục mà). Ai dè, ông cán bộ cựu chiến binh hai thời kỳ (tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ) đề nghị không nên chạy theo thành tích, khu phố còn tình trạng mất cắp, nạn xe máy chạy nẹt pô vẫn còn, vệ sinh môi trường ngõ hẻm chưa tốt… xây dựng khu phố văn hoá là cho chính mình nên cần tiếp tục phấn đấu sau này đề cử cũng chưa muộn. Nghe xong, cả phòng họp rộn ràng hẳn lên, số thì đồng tình theo ý kiến của ông cựu chiến binh, số thì cứ đề cử bởi vinh dự là của toàn dân, thiếu sót đâu thì khắc phục. Lời qua, tiếng lại đã gần mười giờ đêm, Ban quản lý khu phố hội ý rồi đưa ra ý kiến: Ngày mai bà con còn phải đi làm, giờ khuya rồi, ta biểu quyết, ai đồng ý thì giơ tay, thế là giơ tay gần hết. Cuộc họp khu phố thành công ngoài mong đợi, có điều dân biểu quyết việc gì chẳng ai hỏi, có chăng chỉ Ban quản lý khu phố biết!?

Trong xã hội hiện đại thì việc đưa ra lấy ý kiến hoặc biểu quyết một vấn đề nào đó của đời sống xã hội, của cơ quan, người có thẩm quyền là việc làm hết sức bình thường, biểu hiện của văn minh, của dân chủ đích thực. Người được lấy ý kiến hoặc tham gia biểu quyết thể hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mình đối với các vấn đề chung. Nhưng trên thực tế vẫn còn những khúc "biến tấu" việc biểu quyết mà ở đó chân lý không thuộc về mọi người, là thực tiễn dẫn đến người có đức, tài không được trọng dụng, cái đúng không được tôn trọng và nguyên nhân xét cho cùng là …tại “biểu quyết”. Để việc biểu quyết thực sự là ý chí của tập thể, là phát huy cao độ dân chủ, là đoàn kết, đồng thuận cao của mọi người để công việc dù khó khăn đến đâu cũng sẽ thành công thì chìa khoá nằm trong tay người đứng đầu mỗi tổ chức, địa phương, cơ quan đơn vị.