Mở đầu buổi đối thoại, lãnh đạo Sở Nội vụ đã báo cáo thực trạng GQVL và XKLĐ của TN trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, hằng năm, 100% học sinh khối lớp 12 và 75% học sinh lớp 9, 10, 11 được tư vấn, định hướng nghề nghiệp; 100% bộ đội xuất ngũ và trên 17.000 TN khu dân cư được tiếp cận thông tin về định hướng nghề nghiệp, việc làm. Trong 5 năm (2011-2015), tỉnh ta đã GQVL cho 79.199 lao động (LĐ), trong đó có 170 người đi XKLĐ. Tuy nhiên, thống kê trên chỉ phản ánh về số lượng, còn về chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững và hiệu quả tạo việc làm còn thấp; tỷ lệ sinh viên (SV) tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học nhưng chưa có việc làm còn nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng LĐ thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường LĐ trong và ngoài nước. Điều này phản ánh hạn chế nảy sinh trong công tác đào tạo nghề ở tỉnh ta, cần có giải pháp và sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là từ trong ý thức của mỗi TN.
Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại diễn đàn đối thoại với TN về GQVL và XKLĐ.
Qua gợi mở của đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về một số vấn đề được cho là bức thiết đối với công tác GQVL cho TN hiện nay, diễn đàn trở nên sôi nổi hơn khi đông đảo ĐV-TN phát biểu ý kiến. Các bạn đã mạnh dạn nêu lên những tồn tại trong tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề và GQVL cho TN như: Đào tạo nghề còn mang tính đại trà, chưa khảo sát, dự báo đúng nhu cầu tuyển dụng LĐ của doanh nghiệp (DN) và các lĩnh vực ngành nghề; vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế và GQVL dành cho TN còn quá ít; sau khi được đào tạo nghề nhiều TN chưa tìm được việc làm phù hợp; chưa có chính sách thu hút, tạo việc làm cho SV đã tốt nghiệp, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hoặc rời quê tìm việc, lãng phí nguồn nhân lực có trình độ tại địa phương… Đại diện Huyện đoàn Ninh Hải kiến nghị tỉnh cần có sự quan tâm và giám sát chặt chẽ đối với công tác đào tạo nghề và GQLV cho LĐ nông thôn, trong đó có TN; thu hút DN trực tiếp dạy nghề và nhận LĐ do mình đào tạo. Tổ chức cho ĐV-TN học tập mô hình phát triển kinh tế ở địa phương khác để có hướng nhân rộng. Tăng cường tiếp cận vốn vay giúp TN phát triển kinh tế hộ.
Giải đáp băn khoăn về việc làm cho SV đã tốt nghiệp, lãnh đạo Sở Nội vụ cho hay: Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện tuyển dụng SV đã tốt nghiệp về công tác tại địa phương. Tuy nhiên, nhu cầu thì nhiều trong khi biên chế chỉ được bổ sung theo quy định của Chính phủ trên cơ sở đảm bảo cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn. Để góp phần giải quyết thỏa đáng nhu cầu việc làm của TN, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường trách nhiệm trong việc tuyển dụng, bố trí việc làm cho SV của tỉnh tốt nghiệp các hệ đào tạo chuyên nghiệp. Đồng thời đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng học sinh lựa chọn các ngành, lĩnh vực thật sự có nhu cầu.
Quan tâm đến vấn đề XKLĐ, anh Vũ Huy Hùng, Phó Bí thư Chi đoàn Trường Cao đẳng Nghề, chia sẻ: Hầu hết ĐV-TN còn thiếu thông tin và e ngại về tình hình an ninh và sự bất đồng về ngôn ngữ khi XKLĐ, nên chưa xem XKLĐ là một kênh GQVL, tạo thu nhập hiệu quả. Qua đây, đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng chương trình đào tạo nghề cần gắn với XKLĐ; tạo điều kiện cho TN đã qua đào tạo nghề ngắn hạn hoặc SV tốt nghiệp các trường cao đẳng, dạy nghề được giới thiệu XKLĐ đúng ngành nghề. Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Qua thực tế cho thấy mức tiền lương tại các thị trường nước ngoài dao động từ 7-20 triệu/người/tháng. Với thu nhập này, nếu người đi XKLĐ chịu khó làm việc, biết tiết kiệm, tuân thủ theo hợp đồng đã ký, chấp hành tốt pháp luật nước sở tại thì sẽ tích lũy được một số tiền nhất định để ổn định cuộc sống và khởi nghiệp khi về lại địa phương. Do đó, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho XKLĐ, ngành luôn chú trọng chọn các DN được cấp phép và có uy tín giới thiệu cho LĐ trong tỉnh. Thường xuyên nắm bắt thông tin về việc làm, thu nhập, đời sống người đi XKLĐ để phản hồi về gia đình và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Vì vậy, TN trong tỉnh có thể an tâm XKLĐ để tạo việc làm và thu nhập chính đáng cho bản thân và đóng góp vào kinh tế gia đình.
Từ diễn đàn, những vấn đề bức thiết về GQVL cho SV đã tốt nghiệp cũng như TN trên địa bàn cơ bản được giải thích thỏa đáng. Chia sẻ với ĐV-TN tham gia đối thoại, đồng chí Lê Văn Bình cho rằng mỗi ĐV-TN cần có nhận thức đúng về việc làm và lựa chọn công việc phù hợp với năng lực bản thân; đồng thời chủ động, sáng tạo để tự tạo việc làm cho bản thân, không ngừng phấn đấu, rèn luyện và học hỏi, có ý chí, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống. Đối với các cấp, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt trong GQVL cho TN; tạo điều kiện thuận lợi để TN tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và các chương trình, dự án phát triển kinh tế hoặc tham gia XKLĐ. Về những ý kiến, đề xuất của ĐV-TN, tỉnh sẽ có chính sách phù hợp nhằm phát huy tốt nhất trí tuệ của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương.
Diễm My