Phát triển hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ và hiện đại, góp phần phát triển nhanh kinh tế - xã hội

(NTO) Trong giai đoạn 2010-2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, tham mưu UBND tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng GT-VT và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Võ Đức Triều
Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Kết quả trong 5 năm (2010-2015), thông qua các nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương, ngân sách tập trung của tỉnh, vốn ODA, BOT…, tỉnh ta đã đầu tư trên 3.770 tỷ đồng xây dựng nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Trong giai đoạn này đã đầu tư nâng cấp hoàn thành 283,3km/13 tuyến đường. Trong đó, đáng chú ý là tuyến đường ven biển Bình Tiên- Cà Ná dài 106km đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là tuyến đường giao thông chiến lược đáp ứng cùng lúc nhiều nhiệm vụ: Bảo đảm quốc phòng- an ninh, mở hướng liên kết vùng trong phát triển kinh tế nói chung và tạo động lực phát triển kinh tế biển trong những năm tới và bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ. Một số tuyến đường tỉnh, liên huyện, liên xã như: Quốc lộ 27 đi Ma Nới, đường tỉnh 708 (từ QL1A - Phước Thuận - ĐT 703 - Phước Sơn - Hòa Sơn), đường Hữu Đức- Hậu Sanh, đường Kiền Kiền-Mỹ Tân, đường Lâm Sơn-Phước Hòa, đường tỉnh 705 (An Hòa – Phước Trung – Đồng Mé), đường đi thôn Ma Lâm- xã Phước Tân, đường Phước Chiến- Phước Thành, đường Lâm Sơn-Hòa Sơn, đường huyện 6 (Tri Thủy- Bỉnh Nghĩa- Xóm Bằng), đường đôi vào Tp. Phan Rang- Tháp Chàm đoạn phía Bắc,… cũng đã được nâng cấp, thảm nhựa, bê-tông xi măng. Ngoài ra, ngành còn đầu tư sửa chữa, khắc phục 21 công trình đường bộ bị hư hỏng nặng do mưa lũ và xây dựng các khu tái định cư: Phủ Hà, Phước Mỹ, Đô Vinh, Mỹ Sơn, Lâm Sơn phục vụ Dự án Nâng cấp mở rộng Quốc lộ 27. Đồng thời, lập các dự án chuẩn bị đầu tư: Mở rộng đường tỉnh 704, đường tỉnh 710 (đoạn Thành Tín- Bàu Ngứ-Từ Thiện), đường Văn Lâm- Sơn Hải, đường vành đai Ninh Thuận... 2 tuyến đường Ba Tháp- Suối Le- Phước Kháng, nâng cấp đường Phước Đại- Phước Trung… khởi công trong quý III-2015.

Cùng với đó, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, ngành GTVT cũng đã tập trung phát triển giao thông nông thôn, miền núi gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 400km đường liên thôn, khu phố, xóm, nội đồng, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư 160 tỷ đồng và vốn huy động từ Nhân dân đóng góp 40 tỷ đồng). Qua đó, góp phần nâng tổng chiều dài đường bộ của tỉnh đến nay lên gần 1.200km. Trong đó, có 3 tuyến quốc lộ (QL1, QL27, QL27B) với chiều dài trên 170km; 10 tuyến đường tỉnh dài trên 320km, 25 tuyến đường huyện dài trên 210km và 191 tuyến đường đô thị với tổng chiều dài trên 140km, tăng gấp 4 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh. 100% số xã đã có đường ô-tô đến trung tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông của người dân và làm cho bộ mặt nông thôn trong tỉnh ngày càng văn minh và khởi sắc hơn.

Với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ và hiện đại, phục vụ tốt cho phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng- an ninh, 5 năm qua, ngành GTVT đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, vượt qua khó khăn, cùng với các ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Đó là, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được tăng tốc đầu tư, khối lượng thực hiện gấp nhiều lần so với nhiệm kỳ 5 năm trước, do đó đã tăng đáng kể chỉ tiêu về mật độ đường giao thông so với diện tích tự nhiên (từ 0,27km/km2 năm 2010 lên 0,36km/km2 năm 2015). Tái cơ cấu đầu tư công được thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ; năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án của ngành ngày càng được nâng cao, được Bộ GTVT và UBND tỉnh tin tưởng giao cho ngành làm chủ đầu tư những dự án lớn, kỹ thuật phức tạp. Mạng lưới giao thông trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, bảo đảm giao thông thông suốt, đồng thời có tính kết nối cao với khu vực và cả nước. Công tác quản lý vận tải và phương tiện, người lái, dịch vụ vận tải duy trì ổn định. Công tác thanh tra, kiểm tra GTVT hoạt động có hiệu quả, góp phần bảo vệ tốt các công trình giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Những kết quả đạt được trong những năm qua đã tạo thêm động lực và là tiền đề quan trọng để ngành GTVT tỉnh nhà tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2015-2020. Trong đó mục tiêu chủ yếu, trọng tâm là :

Về kết cấu hạ tầng: Hoàn thiện mạng lưới đường hiện có, đặc biệt là đường huyện, đường tỉnh, tạo ra sự liên thông và khai thác tiềm năng từng khu vực; cứng hóa từ 75% đường giao thông nông thôn và xây dựng cải tạo hệ thống cầu, cống, đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ; đảm bảo các trục đường chính đô thị Phan Rang-Tháp Chàm đều có vỉa hè. Nâng mật độ đường giao thông từ 2,02km/1.000 dân lên 2,46km/1.000 dân và từ 0,36km/km2 lên 0,42km/km2. Phát triển hệ thống giao thông đường biển theo hướng đa mục tiêu vừa tạo động lực mới cho phát triển kinh tế các vùng ven biển và khai thác tiềm năng về kinh tế biển, vừa là nơi tránh, trú bão an toàn cho tàu thuyền trong khu vực; cải tạo nâng cấp cảng Ninh Chử thành cảng hàng hóa tiếp nhận tàu có trọng tải từ 1.000 tấn trở lên; đầu tư xây dựng mới cảng Cà Ná (khu vực Dốc Hầm). Đầu tư xây dựng các bến xe mới theo hình thức xã hội hóa tại các huyện chưa có bến xe...

Về vận tải: Tạo ra một cơ cấu vận chuyển hợp lý giữa các phương thức vận tải, lực lượng vận tải của tỉnh đảm nhận được từ 70% trở lên khối lượng hàng hóa của tỉnh, tương ứng với 6-8 xe tải/1.000 dân. Từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị xếp dỡ; thỏa mãn nhu cầu đi lại của Nhân dân, lực lượng vận tải trong tỉnh đảm nhận từ 80% trở lên nhu cầu vận tải, tương ứng từ 60 ghế/1.000 dân. Bên cạnh đó, phát triển mạnh hệ thống vận chuyển khách công cộng như xe buýt, xe taxi.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành GTVT tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu: Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương; các tổ chức tài chính quốc tế đầu tư về vốn và công nghệ hiện đại vào một số dự án lớn hết sức quan trọng, có ý nghĩa bứt phá, tăng tốc sự phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng- an ninh. Cụ thể: Phối hợp với tỉnh Khánh Hòa cùng kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn thành Dự án Nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ sân bay Cam Ranh đến Phan Rang; phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành tiểu dự án thành phần giải phóng mặt bằng phục vụ cho thi công sớm hoàn thành tuyến Quốc lộ 27; tích cực làm việc với bộ, ngành Trung ương để đầu tư tuyến vành đai tỉnh Ninh Thuận và tuyến đường nối Quốc lộ 27B đến Lâm Đồng (tuyến tránh qua đèo Ngoạn Mục); kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Cà Ná (khu vực Dốc Hầm), nâng cấp cảng Ninh Chử thành cảng hàng hóa bằng nhiều hình thức đầu tư; phối hợp với tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư phục hồi tuyến đường sắt Tháp Chàm- Đà Lạt..

Triển khai kế hoạch chi tiết giai đoạn 2 (2015-2020) thực hiện Quy hoạch phát triển ngành GTVT giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố trong thực hiện Chương trình xây dựng giao thông nông thôn và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động Nhân dân tham gia xây dựng văn hóa giao thông, thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất, tập thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành GTVT đoàn kết, phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ phát triển mới và hội nhập quốc tế.