Trong những năm qua, tỉnh ta tập trung thu hút đầu tư, mở rộng các mô hình sản xuất, đẩy mạnh an sinh xã hội,
ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.
Trong ảnh: Công ty TNHH Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu.
1. Những kết quả đạt được
5 năm qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy tính năng động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XII đạt nhiều kết quả quan trọng:
Đã hoàn thành 19/25 chỉ tiêu chủ yếu của Đại hội đề ra, trong đó: kinh tế 3/9 chỉ tiêu, xã hội 9/9 chỉ tiêu; môi trường 3/3 chỉ tiêu; quốc phòng, an ninh 2/2 chỉ tiêu; xây dựng Đảng 2/2 chỉ tiêu. Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%/năm, thu ngân sách đạt 1.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,03 lần. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 41,9% xuống còn 36,3% so với năm 2010. Tạo việc làm mới cho 79 nghìn lao động; lao động qua đào tạo đạt 50,4%; giảm hộ nghèo từ 15,48% năm 2010 xuống còn 5,73% vào năm 2015. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 45%.
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh hằng năm đạt trên 76%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 77%. Kết nạp bình quân mỗi năm 863 đảng viên mới, đạt 117% so kế hoạch.
Kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển khá, một số ngành, lĩnh vực phát triển nhanh và tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Thu ngân sách vượt chỉ tiêu kế hoạch; huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và hạ tầng đô thị, triển khai xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt tiêu chí đô thị loại II. Kinh tế biển, hợp tác phát triển với các tỉnh, khu vực không ngừng mở rộng, công tác quảng bá tiềm năng, lợi thế Ninh Thuận có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý tài nguyên môi trường, kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, môi trường đầu tư tiếp tục cải thiện.
Công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm chỉ đạo, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được chăm lo ngày càng tốt hơn; giải quyết việc làm và giảm nghèo đạt kết quả; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện. Mạng lưới y tế được củng cố, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch bệnh tốt hơn.
Nhiệm vụ quốc phòng-an ninh được quán triệt, triển khai toàn diện và đạt hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác cải cách tư pháp thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.
Hồ Sông Biêu (huyện Thuận Nam).
Công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, tổ chức cơ sở đảng được nâng lên, đoàn kết thống nhất trong Ðảng được tăng cường. Công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị có nhiều chuyển biến tiến bộ. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thực sự có chuyển biến. Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với quyết tâm chính trị cao, cán bộ, đảng viên đồng tình, bước đầu khắc phục có hiệu quả những hạn chế, yếu kém. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường góp phần ngăn chặn, hạn chế những sai phạm.
Công tác dân vận của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và hoạt động của Mặt trận, đoàn thể chính trị, hội quần chúng có bước đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy; các nguyện vọng chính đáng của Nhân dân được quan tâm giải quyết.
2. Những hạn chế, yếu kém
- Một số chỉ tiêu về kinh tế đạt thấp so với mục tiêu kế hoạch 5 năm. Tiềm năng, lợi thế chậm được khai thác, chưa tạo được đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển; cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh vẫn là điểm nghẽn. Một số dự án quy mô lớn ngành công nghiệp triển khai chậm; chất lượng dịch vụ du lịch và môi trường còn hạn chế.
- Liên kết sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm đặc thù của địa phương theo hướng sản xuất sạch, gắn với chế biến vẫn là khâu yếu. Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển ngành nghề và kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiệu quả thấp so với nguồn lực đầu tư, giảm nghèo chưa bền vững.
- Chủ trương xây dựng trường Đại học Ninh Thuận triển khai chậm, chất lượng nguồn nhân lực một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng giáo dục miền núi còn nhiều hạn chế. Khoa học công nghệ chưa thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nguồn nhân lực ngành Y tế còn thiếu, chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu. Đời sống văn hóa ở cơ sở có mặt còn thấp; đời sống vật chất, tinh thần một bộ phận Nhân dân ở vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Siêu thị Thanh Hà - điểm kinh doanh và mua sắm hàng hóa văn minh, hiện đại. Ảnh: Văn Miên
- Xây dựng các tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ của địa phương trên một số mặt còn hạn chế. Tình hình trật tự an toàn xã hội có lúc, có địa bàn còn diễn biến phức tạp. Giải quyết khiếu nại, tố cáo có vụ việc chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng đúng mức.
- Chất lượng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có mặt chưa vững chắc. Việc cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của cấp trên còn hạn chế. Công tác tư tưởng, nắm bắt, phản ảnh tình hình, tâm trạng xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời. Đấu tranh phê phán những biểu hiện tiêu cực, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả chưa cao.
- Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, thủ tục hành chính có mặt còn bất cập. Kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số ít cơ quan, đơn vị thực hiện chưa nghiêm.
- Công tác tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số còn hạn chế. Phát triển đảng viên các thôn thuộc xã ven biển, xã miền núi và các doanh nghiệp tư nhân còn thấp.
- Công tác dân vận ở các cấp chính quyền có mặt hạn chế, nhất là trong triển khai một số chương trình, dự án. Xây dựng và phát huy vai trò, hiệu quả của lực lượng cốt cán còn yếu.
Những năm qua, Tp. PR-TC được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đưa thành phố đạt tiêu chí đô thị loại II.
Trong ảnh: Trung tâm Quảng trường 16 Tháng 4. Ảnh: Văn Miên
3. Nguyên nhân những hạn chế, yếu kém
- Nguyên nhân khách quan: Quy mô nền kinh tế của tỉnh nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, hạn hán kéo dài, xảy ra trên diện rộng.
- Nguyên nhân chủ quan:
Năng lực dự báo, phân tích còn hạn chế, có mặt còn chủ quan; tổ chức triển khai thực hiện một số quy hoạch chưa bám sát nội dung được phê duyệt, chưa lường hết được những khó khăn tác động đến quá trình thực hiện nhiệm vụ. Huy động các nguồn lực thực hiện các khâu đột phá, nhất là về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ còn hạn chế.
Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ vẫn là khâu yếu. Việc cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn ở một số ngành và địa phương chưa kịp thời.
Công tác phối hợp một số ngành và địa phương còn thiếu đồng bộ, tham mưu xử lý một số công việc còn có biểu hiện đùn đẩy.
Vai trò lãnh đạo của tập thể và trách nhiệm người đứng đầu trên một số lĩnh vực chưa phát huy tốt; công tác kiểm tra, giám sát chưa toàn diện.
Theo tài liệu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy