Thực hiện chính sách, pháp luật kết hợp phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh

(NTO) Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vừa kết thúc hoạt động giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh do đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn.

Qua hoạt động giám sát cho thấy, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, đầu tư kết cấu hạ tầng; khắc phục tình trạng hạn hán nghiêm trọng, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa… nhờ đó kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển ổn định, có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, quốc phòng-an ninh được giữ vững.

Đồng chí Nguyễn Bắc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
giám sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh
tại huyện Ninh Phước.

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát cho thấy một số nổi lên trong triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có lúc, có nơi còn hạn chế; việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng chưa kịp thời, thường xuyên; năng lực dự báo, phân tích nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội chưa lường hết được những khó khăn tác động đến quá trình thực hiện nhiệm vụ; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định; Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng cần điều chỉnh, sửa đổi Thông tư số 08/2005/TTLT-BYT-BQP ngày 16-3-2005 hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 25/2004/TTg ngày 29-6-2004 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kết hợp quân-dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và bộ đội trong tình hình mới; thêm biên chế chuyên trách, tăng cường đầu tư nguồn lực, đặc biệt kinh phí cho hoạt động quân-dân y kết hợp và thực hiện Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020… do đó, các địa phương kiến nghị những nội dung cần tháo gỡ như: Trung ương cần có cơ chế kinh tế đặc thù, cơ chế hỗ trợ có mục tiêu cho tỉnh để bổ sung nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, trong đó ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA cũng như hỗ trợ 100% vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án theo cam kết với các nhà tài trợ, góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh của địa phương; hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị cho ngư dân, lực lượng dân quân biển để tăng cường bám biển, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo; tái định cư nhiễm mặn ở xã Phước Minh (Thuận Nam); tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; quan tâm bố trí ngân sách phát triển đầu tư hạ tầng như giao thông, thủy lợi, văn hóa, giáo dục, y tế, các công trình giáo dục truyền thống cách mạng…

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Bắc Việt đề nghị trong thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quán triệt Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Nghị quyết 39-NQ/TW của BCH Trung ương về đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2020; Nghị định 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ; tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, viễn thông, y tế, giáo dục; chính sách cho người có công, các vấn đề về tôn giáo, dân tộc nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại, đặc biệt liên quan đến đất đai, môi trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ ngư dân, lực lượng dân quân biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo; triển khai quản lý tốt các dự án đầu tư; nắm chắc tình hình, bảo đảm tuyệt đối an toàn triển khai các dự án trọng điểm như xây dựng nhà máy điện hạt nhân; xử lý, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự; tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư trang bị thiết bị cho lực lượng công an xã, quân sự; bảo đảm an ninh trật tự vùng giáp ranh; bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt…