Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về một số dự án luật. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Tránh chất vấn nhàm chán
Dự thảo luật quy định, trước phiên chất vấn, ĐBQH ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề mà xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của ĐBQH, Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn theo đề nghị của UBTVQH.
Đồng tình với đề xuất trên, song ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, muốn chất vấn theo nhóm vấn đề thì cần theo quy trình. ĐB cũng cho rằng, hiện thời gian dành cho chất vấn còn ít, nhiều ĐB đăng ký nhưng không được chất vấn, do đó cần nâng thời gian chất vấn từ 3 - 3,5 ngày.
Đề cập đến chất vấn tại HĐND, ĐB lưu ý, hiện nay, cơ cấu đại biểu HĐND là đại diện các sở, ban ngành và các tổ chức khác mà giờ lại chất vấn lại lãnh đạo của mình, “người nắm sinh mệnh chính trị của mình” nên chất vấn không sát, cử tri đánh giá phần lớn chất vấn nhẹ nhàng. ĐB đề nghị, trong Luật cần quy định cơ chế để phát huy chất vấn của đại biểu HĐND quyết liệt hơn.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng đồng tình chất vấn theo nhóm vấn đề, nhưng cho rằng “cả nhiệm kỳ làm vậy sẽ rất nhàm chán”. Do đó, ĐB đề nghị giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ thì không chất vấn theo nhóm mà có thể chất vấn chung tất cả các bộ ngành, chất vấn tất cả những vấn đề gì cử tri và ĐB quan tâm.
Trái với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Minh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Vĩnh Long) nêu quan điểm không nên quy định cứng nhắc, bó hẹp các nhóm vấn đề ĐB chất vấn. Bởi việc lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội khó bảo đảm sự khách quan, khó phản ánh hết ý chí, kiến nghị của cử tri, vấn đề mà xã hội quan tâm.
Một vấn đề khác được ĐB chia sẻ là khi tham dự nhiều kỳ họp HĐND tỉnh thì có thực tế, người chất vấn không được trực tiếp chất vấn mà thông qua chủ tọa kỳ họp. “Làm vậy không sinh động, ĐB muốn nói mà không được, vấn đề này cần được khắc phục” – ĐB Nguyễn Văn Minh nêu ý kiến.
Quan tâm đến đề xuất người trả lời chất vấn có thể trả lời bằng văn bản, ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) lo ngại, quy định này cũng dễ làm nảy sinh việc̉ kéo dài thời gian, trả lời chung chung, sau đó trả lời thành văn bản.
Còn ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị cân nhắc quy định các ĐBQH ghi phiếu chất vấn và gửi cho UBTVQH. Bởi chất vấn là quyền ĐB và ĐB có thể gửi trực tiếp cho đối tượng chất vấn. Cũng theo ĐB, Luật cần quy định ro,̃ ĐB có thể chất vấn ngoài kỳ họp của Quốc hội và ngoài phiên họp của UBTVQH.
Giám sát dựa trên báo cáo(?!)
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trọng tâm, mấu chốt của Luật này là kết quả giám sát. Tuy nhiên, tại dự Luật này, chủ thể giám sát, đối tượng bị giám sát được thể hiện tương đối rõ nhưng kết quả giám sát, trách nhiệm pháp lý như thế nào chưa rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, giám sát xong thì có 2 kết quả, một là ra các kiến nghị, hai là phải kết luận. “Kết luận thì giá trị pháp lý khác, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm chính xác của kết luận do mình đưa ra và đối tượng được giám sát phải thi hành” – Chủ tịch Quốc hội nói.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cũng cho rằng, vấn đề quan trọng của dự Luật là phải tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của giám sát. Do đó, sửa Luật lần này phải khắc phục được tình trạng giám sát hình thức, kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như dư luận vẫn đánh giá. Tuy nhiên, theo ĐB, dự Luật chưa làm được điều quan trọng này. “Luật là giám sát nhưng các điều chủ yếu mới ở mức xem xét, thậm chí là xem xét báo cáo chứ không xem xét thực tiễn, như vậy làm sao kết luận chính xác được?” – ĐB bày tỏ.
ĐB cũng lo lắng rằng, nếu chỉ giám sát qua nghe báo cáo sẽ dẫn đến kết luận không chính xác, thậm chí nhiều khi sẽ hợp thức hóa các sai phạm.
Cũng về nội dung này, ĐB Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, lâu nay, dù giám sát chuyên đề, giám sát bộ, ngành thì “hầu như chỉ nghe báo cáo, mà báo cáo hay lắm vì bản thân họ là người bị giám sát thì không ai tự nêu khuyết điểm”. Qua kinh nghiệm thực tiễn, ĐB chỉ ra rằng, để nâng cao hiệu quả giám sát thì đầu tiên phải quy định các phương thức giám sát, sau đó phải ban hành kết luận, trong đó phải khẳng định cái gì đúng – sai, cho đơn vị bị giám sát cung cấp tài liệu giải trình. Khi hai bên đã thống nhất kết luận thì phải thực hiện kết luận giám sát ngay. “Đoàn giám sát phải mạnh dạn nói rõ sai – đúng, chịu trách nhiệm chứ bản thân đoàn giám sát sợ trách nhiệm mà chỉ kết luận chung chung thì giám sát không hiệu quả” – ĐB khẳng định.
Ngoài ra, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân là chủ thể có thẩm quyền giám sát để tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân. Bởi qua tổng kết thực tế cho thấy, ở một số HĐND cấp tỉnh, việc giám sát của các đại biểu HĐND thông qua các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân đã phát huy vai trò tích cực trong hoạt động giám sát./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam