Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận

Bài 1: Phát huy giá trị con người trong thời kỳ mới

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích 3.358km2, có 7 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố, 6 huyện; 65 xã, phường. Dân số toàn tỉnh hiện có gần 750.000 người, với 33 dân tộc, 8 tôn giáo.

Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của văn hóa và con người đối với sự phát triển đất nước, những năm qua, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền đưa Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (gọi tắt là Nghị quyết số 33) đi sâu vào đời sống và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn được Tỉnh ủy Ninh Thuận xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài, là nền tảng vững chắc để phát triển Ninh Thuận nhanh và bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể tập trung các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, rèn luyện tư tưởng, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, hội viên, quần chúng nhân dân.

Chương trình nghệ thuật tại Tuần lễ văn hóa ẩm thựcp. Phan Rang - Tháp Chàm năm 2023.
Ảnh: Văn Nỷ

Tỉnh quan tâm thực hiện các quy định, chính sách giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề; đồng thời ban hành cơ chế, chính sách thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh có 876 đồng chí được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị, 2.463 đồng chí đào tạo trung cấp lý luận chính trị; 21 đồng chí được cử đi đào tạo nước ngoài theo Đề án 165 của Bộ Chính trị; 25 đồng chí nghiên cứu sinh; 256 đồng chí học cao học; 120 đồng chí học đại học; hơn 20.100 trường hợp tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và cập nhật kiến thức mới, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, bồi dưỡng về quản lý nhà nước đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo đại biểu HĐND huyện, xã... Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề hiện đạt hơn 65,6%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%; hằng năm tạo việc làm mới cho trên 16.000 lao động. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên; tổ chức bộ máy của các cấp, các ngành được kiện toàn, hoạt động hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Đồng chí Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành giáo dục và đào tạo luôn nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm và nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; bám sát Nghị quyết số 33 gắn với Nghị quyết số 29-NQ/TW để triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất. Ngoài xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo bảo đảm năng lực, đạo đức nghề nghiệp để mỗi thầy, cô phải thật sự là tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh noi theo, ngành không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng môi trường văn hóa giáo dục lành mạnh, truyền đạt kiến thức, rèn luyện cho thế hệ trẻ đạo đức, kỹ năng sống, giao tiếp ứng xử văn hóa, làm nền tảng vững chắc trở thành công dân tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh, cống hiến, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho xã hội.

Cùng với giáo dục về tư tưởng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân luôn được chú trọng. Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế. Hiện toàn tỉnh có 59/65 xã, phường có trạm y tế; 96,9% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ giường bệnh đạt 31,2 giường bệnh/vạn dân; 94,9% trạm y tế xã, phường có bác sĩ; tỷ lệ bác sĩ đạt 10,6 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin hằng năm đạt trên 95%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đến cuối năm 2023 giảm còn 12,1%...

Phong trào văn hóa, hoạt động nghệ thuật được quan tâm đẩy mạnh, lan tỏa rộng khắp góp phần nâng cao đời sống tinh thần, bảo đảm quyền thụ hưởng, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân, xây dựng con người Ninh Thuận phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước trong thời kỳ mới.

Nghệ sĩ ưu tú Võ Thọ Thái, Trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh cho biết: Thời gian qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cũng như giúp chúng tôi phát huy sáng tạo, từ đó sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, đậm nét truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; trong đó nhiều tác phẩm nghệ thuật được lựa chọn đề cử tham gia các cuộc thi, hội diễn, liên hoan toàn quốc, khu vực đạt nhiều giải thưởng cao. Trong thời đại công nghệ thông tin và phát triển mạnh nhiều loại hình giải trí, tôi mong muốn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư hơn nữa từ Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ được trải nghiệm nhiều hơn, có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, từ đó phát huy tình sáng tạo, sáng tác ra các tác phẩm hội đủ tinh hoa của cuộc sống, hơi thở của thời đại, đồng thời đảm bảo hoạt động của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà không bị bỏ lại phía sau giữa guồng quay của kinh tế thị trường.

---------------------------------------------
Bài 2: gắn kết hài hòa các giá trị truyền thống và hiện đại