Quyết tâm nâng hạng chỉ số cải cách hành chính

Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả cải cách hành chính (CCHC) hằng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tổng thể CCHC nhà nước trong từng giai đoạn.

Để cải thiện về điểm số và thứ hạng chỉ số CCHC, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, những năm qua, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ CCHC và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở kế hoạch CCHC hằng năm của UBND tỉnh, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Quá trình triển khai, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những cách làm hay, sáng kiến hiệu quả trong CCHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: M.D

Tuy nhiên, theo kết quả công bố mới đây của Bộ Nội vụ về chỉ số CCHC năm 2023, Ninh Thuận xếp vị thứ 36/63 tỉnh, thành phố, giảm 7 bậc so với năm 2022. Qua phân tích, đánh giá của UBND tỉnh, về điểm số có 2/8 lĩnh vực giảm điểm so với năm 2022, đó là cải cách tài chính công; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh); về vị thứ, có 3/8 lĩnh vực giảm vị thứ so với năm 2022 (cải cách thể chế; cải cách tài chính công; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh). Qua các chỉ số thành phần của PAR INDEX năm 2023 cho thấy, công tác CCHC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cụ thể, nhìn vào 3 lĩnh vực giảm vị thứ, đó là: Cải cách thể chế, điểm triển khai đã đạt 6/6 điểm tối đa, nhưng qua khảo sát đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo cấp sở, huyện, cấp phòng đánh giá chưa cao; cải cách tài chính công, thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách chưa đạt 100%; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển KT-XH của tỉnh, đó là mức độ thu hút đầu tư và phát triển DN của tỉnh thấp hơn năm 2022; thu ngân sách của tỉnh so với cả nước chưa cao, thuộc nhóm 13 địa phương thấp nhất nước (yêu cầu phải thuộc nhóm 10 tỉnh cao nhất); mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH do HĐND tỉnh giao chưa đạt 100%...

Trên cơ sở nhìn nhận rõ những hạn chế, bất cập, để thực hiện tốt công tác CCHC, cải thiện thứ hạng PAR INDEX trong năm 2024 và những năm tiếp theo, phấn đấu chỉ số PAR INDEX của tỉnh tăng từ 10 bậc trở lên, thuộc nhóm 26/63 tỉnh, thành phố cả nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận tiếp tục quán triệt sâu rộng, toàn diện đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về 4 quan điểm, 16 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác CCHC nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác CCHC nhà nước tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền cho nhân dân, DN biết để cùng đồng hành, chung tay, góp sức và tham gia cùng với chính quyền, địa phương.

Kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh CCHC một cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, trong đó lấy cải cách thủ tục hành chính (TTHC) làm khâu đột phá, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và người dân một cách thực chất; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cả đầu tư công lẫn đầu tư của các thành phần kinh tế. Đẩy nhanh đầu tư kết cấu hạ tầng, gắn với đơn giản hóa TTHC trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các DN dễ dàng tiếp cận đất đai mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan trong việc làm ảnh hưởng đến các chỉ số của tỉnh, của đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu. Trường hợp đã được yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC nhưng chậm chuyển biến thì phải xem xét trách nhiệm, năng lực cán bộ và tham mưu bố trí công tác phù hợp.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số tại các cơ quan nhà nước, hướng tới chính quyền số, giải quyết TTHC trên môi trường mạng để tiết kiệm chi phí và nâng cao tính công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, DN; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị, bộ phận thuộc thẩm quyền quản lý. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân hoàn thành tốt; đồng thời xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân chưa thực hiện nghiêm túc trong công tác CCHC, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.