Toàn tỉnh hiện có 397 cộng tác viên (CTV) DS, trong đó 169 CTV thuộc 38 xã khó khăn thuộc Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Đội ngũ cán bộ chuyên trách và CTV DS ở cơ sở là những người bám sát địa bàn truyền tải thông tin, chính sách, vận động người dân thực hiện chính sách DS. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ CTV DS ở cơ sở vừa cung cấp cho đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ những kiến thức cơ bản về DS vừa trực tiếp theo dõi, giúp đỡ các đối tượng chuyển đổi hành vi, lựa chọn và áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp, khám và chữa trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng, chống dịch bệnh... Do vậy, để cải thiện chất lượng DS vùng DTTS&MN, cần phải trang bị thêm kiến thức, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ DS ở cơ sở. Theo đó, cán bộ DS từ tỉnh đến cơ sở đều được trang bị kiến thức về chính sách DS và phát triển trong tình hình mới. Cụ thể như, quy mô, cơ cấu và chất lượng DS; cách thống kê và các phương pháp mô tả dữ liệu thống kê; các chỉ số về DS phát triển.
Cán bộ dân số huyện Bác Ái đến tuyên truyền, vận động trực tiếp tại hộ dân.
Để phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, phổ biến, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, hằng năm, đội ngũ cán bộ DS đều được tham gia đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tăng cường kỹ năng truyền thông giáo dục DS-KHHGĐ và sức khỏe sinh sản, quản lý nhà nước về DS-KHHGĐ. Đồng thời, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS&MN” thuộc Dự án 7 tại 6 trung tâm y tế và 38 xã triển khai Dự án 7. Chị Pi Năng Thị Hảo, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Phước Tân (Bác Ái) chia sẻ: Thông qua các buổi tập huấn, hội nghị chúng tôi được bồi dưỡng thêm kiến thức về công tác DS và phát triển, chăm sóc sức khỏe sinh sản; bổ sung các kỹ năng về truyền thông, vận động người dân. Khi mình hiểu mới có thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng theo chính sách DS đặt ra.
Ngoài các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phòng DS các huyện, xã đã tự thành lập nhóm Zalo ngành DS địa phương để các CTV có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông với các CTV khác và được cập nhật nhanh nhất những nội dung các đề án, kế hoạch, chính sách DS-KHHGĐ đã được phê duyệt. Các CTV DS cũng tự trau dồi kinh nghiệm, kiến thức công tác ngành DS qua các phương tiện thông tin đại chúng. Chị Ngô Thị Lan, viên chức phụ trách công tác DS huyện Ninh Sơn chia sẻ: Do địa bàn huyện rộng, bà con sống phân tán nên việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu DS điện tử mang lại nhiều thuận lợi quan trọng trong việc theo dõi, dự báo và lập kế hoạch DS. Dữ liệu được cập nhật liên tục từ tuyến cơ sở, lưu trữ và quản lý một cách chính xác. Ngoài ra, dữ liệu quản lý đa dạng thông tin DS theo các yếu tố như độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, giáo dục, thu nhập... giúp lập kế hoạch DS phù hợp với từng đối tượng và khu vực cụ thể. Phần mềm đã hỗ trợ tốt cho công tác quản lý DS, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch và dự báo một cách chính xác và kịp thời. Việc ứng dụng công nghệ số góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền và tư vấn từ xa, giúp tiếp cận được nhiều đối tượng ở các vùng khó khăn hơn.
Không chỉ tăng cường bồi dưỡng kiến thức về DS cho đội ngũ cán bộ DS ở cơ sở, ngành y tế còn quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, ngành y tế đã đầu tư xây mới và nâng cấp 17 trạm y tế xã và 5 trung tâm y tế huyện, thành phố; đầu tư mua sắm trang thiết bị.
Bằng nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ DS được nâng lên, nhiều CTV có cách tuyên truyền hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách DS-KHHGĐ vùng đồng bào DTTS&MN.
Mỹ Dung