Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN), giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm 2024, huyện Bác Ái đã chủ động xây dựng phương án, bố trí lực lượng và phương tiện, chỉ đạo các phòng, ban, các xã chủ động ứng phó kịp thời trong trường hợp có mưa lũ. Trên địa bàn huyện Bác Ái có 5 hồ chứa nước (Sông Cái, Sông Sắt, Trà Co, Phước Nhơn và Phước Trung), vì vậy công tác bảo đảm vận hành an toàn các hồ đập được huyện quan tâm thực hiện, nhất là khi các hồ chứa có kế hoạch xả lũ. Tập trung chỉ đạo ở các địa bàn trọng yếu thường xảy ra lũ ống, lũ quét, các khu vực trọng điểm sét, lốc xoáy chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai.
Dự án khắc phục sạt lở kè tại khu phố Ninh Chữ 1 đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: K.Hân
Đồng chí Phan Ninh Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Để chủ động PCTT trong mùa mưa bão năm nay, huyện đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đảm bảo tính thống nhất. Đồng thời, chủ động cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, các công điện, văn bản chỉ đạo của cấp trên trong việc ứng phó với thiên tai qua hệ thống đài truyền thanh, điện thoại, mạng intrernet, Zalo, Facebook... để cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân biết chủ động phòng tránh. Chỉ đạo các xã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nâng cao cảnh giác PCTT, không tự ý lên rẫy, qua sông, suối, đến gần hồ, đập mỗi khi có mưa lớn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người trong mùa mưa bão...
Tại huyện Ninh Hải, những năm trước đây, đến mùa mưa bão, người dân sống ở khu vực ven biển xã Thanh Hải và Nhơn Hải luôn sống trong tâm trạng bất an vì triều cường xâm lấn sâu vào các khu dân cư gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Để nâng cao khả năng ngăn triều cường xâm thực, đầu năm 2022, từ nguồn vốn đầu tư công, huyện đã tập trung xây dựng tuyến đê ven biển với tổng nguồn vốn gần 200 tỷ đồng. Công trình hoàn thành giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống và sản xuất. Anh Trần Văn Cang ở thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải, chia sẻ: Trước đây, mỗi khi đến mùa mưa bão, sóng biển dâng cao tràn vào nhà dân nên bà con luôn trong tâm trạng bất an. Hiện nay được Nhà nước đầu tư xây dựng kè biển kiên cố nên bà con rất mừng. Niềm vui cũng đến với người dân thị trấn Khánh Hải khi dự án khắc phục sạt lở kè tại khu phố Ninh Chữ 1 được khởi công vào cuối tháng 6/2024. Tuyến kè có chiều dài 593m, với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ dự phòng ngân sách trung ương, thời gian hoàn thành tháng 12/2024. Đến nay công trình đã hoàn thành 70% khối lượng công việc theo hợp đồng. Mặc dù công trình vẫn chưa hoàn thành 100% khối lượng công việc, song các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành, giúp bảo vệ 38 hộ dân trước mùa mưa bão.
Để chủ động PCTT trong mùa mưa bão, huyện Ninh Hải tăng cường công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chủ động tự PCTT an toàn, hiệu quả. Tập trung chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn vùng biển phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Hải, Vĩnh Hải, Đông Hải thường xuyên kiểm tra trang thiết bị, chế độ thông tin liên lạc trên tàu thuyền, kiên quyết không giải quyết cho các phương tiện không đảm bảo an toàn đi biển.
Trong năm 2024, từ nguồn vốn hỗ trợ dự phòng ngân sách trung ương, UBND tỉnh đã cân đối, bố trí kinh phí 120 tỷ đồng xây dựng dự án khắc phục sạt lở kè khu dân cư xã Cà Ná (Thuận Nam) và dự án khắc phục sạt lở kè tại khu phố Ninh Chữ 1. Cùng với đó, từ vốn cân đối ngân sách địa phương đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh đầu tư 12,6 tỷ đồng xây dựng 18 cột thu lôi chống sét tại các khu vực thường xuyên xảy ra dông, sét trên địa bàn tỉnh; 900 triệu đồng để sửa chữa mặt đê, khắc phục sạt lở bờ Bắc Sông Dinh (đoạn qua phường Đạo Long, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng, để nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố va đập tàu thuyền trong khu neo đậu tránh trú bão; diễn tập ứng phó sự cố mưa lũ, tràn, vỡ đập hồ thủy lợi; lắp đặt biển báo nguy hiểm tại các ao, hồ, đập, sông, suối, kênh mương và những điểm có thể xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước, nhằm giúp cho người dân nâng cao khả năng ứng phó và xử lý kịp thời trước nguy cơ thiên tai.
Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Thực hiện kế hoạch PCTT và TKCN năm 2024 trên địa bàn tỉnh, đến nay cơ bản các ngành, các địa phương đã xây dựng hoàn tất các phương án cụ thể của từng đơn vị theo chức năng, quyền hạn để chủ động trong ứng phó thiên tai. Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hoàn tất phương án bố trí, điều động lực lượng, phương tiện trong việc ứng cứu hộ đê, hồ đập. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương ven biển tổ chức hướng dẫn chủ tàu thuyền, các phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản neo đậu an toàn. Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng phó khi cầu, đường có sự cố hư hỏng. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ, bố trí lực lượng xung kích, dân quân tự vệ, phương tiện cứu hộ sẵn sàng tham gia di dời dân ở vùng hạ lưu khi bị ngập lụt. Các huyện, thành phố triển khai rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, bão, lũ, sạt lở, vùng trũng thấp ven sông, suối...
Kha Hân