Để rộng đường cho các sản phẩm đặc thù nói chung và sản phẩm tỏi Phan Rang nói riêng phát triển thương hiệu, UBND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây tỏi, đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, thương mại hóa.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 200ha tỏi, trong đó huyện Ninh Hải là vùng trồng tỏi lớn nhất với trên 100ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Nhơn Hải, Thanh Hải và nhiều nhất tại xã Vĩnh Hải, với khoảng 500 hộ trồng tỏi.
Tỏi Phan Rang có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và chất lượng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất cát ven biển. Người dân địa phương trồng tỏi vào vụ bấc, bắt đầu xuống giống từ tháng 9-10 dương lịch và thu hoạch vào tháng 2-3 của năm sau. Một số nông dân tại thôn Thái An (Ninh Hải) tâm sự, mấy chục năm qua, cây tỏi là một trong những cây trồng chủ lực của nhiều người dân ở đây, nhờ cây tỏi mà nhiều hộ đã giảm được nghèo, lo cho con cái ăn học và vươn lên làm giàu. Đến nay, toàn thôn Thái An có 140 hộ trồng tỏi với tổng diện tích hơn 30ha, đều thực hành liên kết với hợp tác xã (HTX) nhằm đảm bảo đầu ra ổn định.
Du khách chọn mua tỏi Phan Rang tại Trạm dừng chân Thiên Thảo (Ninh Phước). Ảnh: V.Nỷ
Ông Nguyễn Văn Liêm, hộ trồng tỏi lâu năm ở thôn Thái An, cho biết: Tỏi trồng trên đất pha cát sát bờ biển ở các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải thường sinh trưởng phát triển hơn những vùng khác do có khí hậu lạnh hơn. Nhờ vậy tỏi ở đây cũng nhiều dầu, giàu vi chất kháng sinh và có tác dụng kháng chữa bệnh. Còn bà Trần Thị Bích, chủ vựa thu mua hành tỏi ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) cho hay: Tỏi Phan Rang phơi khô không cần xử lý bất kỳ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong nửa năm, thậm chí có thể để lâu hơn nữa mà vẫn giữ được hương vị ban đầu, củ tỏi không bị óp và đổi màu. Chính những ưu điểm đó đã góp phần khẳng định chất lượng của cây tỏi trồng trên đất Ninh Thuận so với những nơi khác.
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm tỏi của các địa phương khác, song tỏi Phan Rang vẫn tạo nên sự khác biệt nhờ chất lượng và thương hiệu được khẳng định. Mặc dù tiềm năng của loại cây này còn rất lớn tuy nhiên để cây tỏi phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có thì vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó, diện tích trồng tỏi hiện đang chững lại và có nguy cơ thu hẹp trong những năm gần đây vì nhiều yếu tố. Một thực tế hiện nay là việc thâm canh cây tỏi còn khá gian nan, chỉ trồng được 1 vụ/năm và chủ yếu trồng theo phương pháp truyền thống nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Ngoài “nặng vốn” thì so với các loại cây rau màu khác, người nông dân trồng tỏi sẽ phải nhọc công hơn vì khi thu hoạch theo phương pháp nhổ tỉa chứ không thu hoạch đồng loạt... Bên cạnh đó, giá tỏi mỗi năm một thay đổi, do vậy cuộc sống của nông dân trồng tỏi cũng khá bấp bênh.
Xác định tỏi là một trong những cây trồng đặc thù của địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây tỏi. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị triển khai dự án nghiên cứu đề tài tuyển chọn và phục tráng giống tỏi Phan Rang nhằm sưu tập, đánh giá các giống tỏi tại địa phương, chọn giống có năng suất cao để chuyển giao cho người dân sản xuất. Qua đó, đã chuyển giao cho HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An 150kg giống tỏi Phan Rang phục tráng để giữ, nhân giống và trồng trong niên vụ 2023.
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trong việc mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm, các cấp, các ngành chú trọng hỗ trợ đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tỏi theo liên kết “4 nhà”: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nông dân để xây dựng thương hiệu tỏi Phan Rang; thiết lập mã vạch cho vùng trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hướng đến xuất khẩu sản phẩm tỏi Phan Rang.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc HTX Dịch vụ thu mua nông sản Thanh Hải cho biết: Nhu cầu tiêu thụ tỏi khô hiện nay khá lớn do đó, để đảm bảo vùng nguyên liệu và giúp bà con yên tâm sản xuất, HTX đứng ra hỗ trợ vốn, giống, phân bón cho bà con và chịu trách nhiệm thu mua bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định. Ngoài các thành viên trong HTX thì chúng tôi còn kết nối thu mua nông sản của bà con các xã lân cận Nhơn Hải, Vĩnh Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Đồng thời hướng đến sản xuất chuyên nghiệp, nâng cao giá trị cho các sản phẩm tỏi sau thu hoạch. Tuy chỉ sản suất một vụ trong năm, nhưng hiệu quả kinh tế từ cây tỏi mang lại khá cao. Trong điều kiện thời tiết ổn định, chăm sóc tốt, năng suất đạt trên 1 tấn tỏi tươi, tương đương 700-800kg tỏi khô. Theo tính toán, chi phí đầu tư giống, vật tư nông nghiệp từ 25-35 triệu đồng/sào/vụ, với giá bán bình quân như hiện nay khoảng 150.000 đồng/kg tỏi khô, người trồng tỏi có thể lãi khoảng 60-75 triệu đồng/sào/vụ.
Nông dân thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) thu hoạch tỏi đạt năng suất cao. Ảnh: S.Ngọc
Bà Nguyễn Thị Hạnh, phấn khởi cho biết thêm: Trên thị trường, khách hàng đánh giá rất cao chất lượng của tỏi Phan Rang vì có hương vị cay nồng đặc trưng và để được lâu. Thông qua các lần tham gia hội chợ thương mại, nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phố khác đã tìm mua sản phẩm hành, tỏi của HTX. Không chỉ có tỏi tươi mà sản phẩm tỏi giống còn được các tỉnh Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận và một số tỉnh miền Tây mua về trồng với số lượng khá nhiều. Hiện sản phẩm tỏi khô của HTX Thanh Hải đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và có mặt ở một số sàn giao dịch điện tử. Trên mỗi sản phẩm hành, tỏi của HTX đều có thể quét mã QR, tem truy xuất nguồn gốc và thông tin rõ ràng.
Đặc biệt, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức công bố quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hương vị của nắng và gió Phan Rang” đối với các sản phẩm tỏi tươi, tỏi khô cho 3 HTX gồm: HTX Nông nghiệp hành tím Nhơn Hải, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An và HTX Dịch vụ nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải. Đây là tiền đề để nâng cao uy tín của sản phẩm tỏi tươi, tỏi khô được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ta. Qua đó, tiếp tục mở rộng thị trường cho sản phẩm tỏi Phan Rang, tạo ra giá trị tăng thêm cho sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời, giúp các HTX tận dụng sức mạnh kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tăng tính cạnh tranh sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận.
Thương hiệu đã có, vấn đề cần thiết hiện nay là làm sao để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế. Chính vì vậy, ngoài những chính sách chung của tỉnh, các địa phương cũng có những cơ chế riêng, nhằm xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, tăng cường công tác quản lý cũng như nâng tầm thương hiệu để sản phẩm tỏi Phan Rang khẳng định được vị thế trên thị trường và hướng đến xuất khẩu.
Anh Thi