Huyện Ninh Sơn có 7 xã và 1 thị trấn với 61 thôn, khu phố, trên 23.400 hộ dân. Đẩy nhanh quá trình giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Ninh Sơn quan tâm thực hiện. Nhằm đạt mục tiêu trên, bên cạnh nỗ lực chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, không thể thiếu vai trò đóng góp của nguồn vốn tín dụng CSXH. Ông Phạm Văn Trường, Giám đốc PGD Ngân hàng CSXH huyện Ninh Sơn, cho biết: Hiện nay đời sống của người dân, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Nhằm tiếp sức, đồng hành quá trình giảm nghèo tại địa phương, PGD luôn chú trọng nâng cao hoạt động chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, ngoài nguồn vốn Ngân hàng CSXH cấp trên giao, vốn ủy thác hằng năm của địa phương, đơn vị còn triển khai linh hoạt các giải pháp huy động vốn, tạo lập vốn bổ sung; phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, duy trì ổn định mạng lưới giao dịch xã, tổ tiết kiệm vay vốn, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo 100% đối tượng khi có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận vốn kịp thời.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ninh Sơn thực hiện giải ngân vốn cho người dân tại điểm giao dịch xã Lâm Sơn.
Nổi bật trong công tác tín dụng CSXH ở huyện Ninh Sơn còn được thể hiện qua phương thức đầu tư tập trung, ưu tiên cho các chương trình hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số, các chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; các hộ sau khi vay vốn được hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích, kết hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, từ đó hình thành các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả. Tiêu biểu như hộ bà Pi Năng Thị Xuyến, ở thôn Do, xã Ma Nới, từ năm 2015-2023, gia đình bà được Ngân hàng CSXH cho vay 110 triệu đồng để chăn nuôi bò, nhờ tích cực chăm sóc, trồng cỏ, đàn bò từ 4 con ban đầu tăng lên 15 con hiện nay, cùng với vốn tích lũy, bà cải tạo đất trồng thêm hoa màu; nhờ đó vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Hay gia đình chị Bùi Thị Kim Thanh, thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn, nhờ được vay 50 triệu đồng giúp chị có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, vươn lên trở thành hộ khá tại địa phương.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ninh Sơn hiện đạt trên 620 tỷ đồng, với hơn 12 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm chiếm tỷ trọng 76,2% và tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt chiếm 23,8%/tổng dư nợ. Vốn tín dụng đã giúp hơn 7,7 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,4 nghìn lao động; tạo điều kiện cho 1,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây dựng 46 căn nhà ở xã hội, xây dựng hơn 12,5 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn... Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 4,32%, giúp 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Phạm Văn Trường, cho biết thêm: Thời gian tới, đơn vị bám sát các chỉ tiêu kinh tế của huyện, duy trì ổn định các mặt hoạt động; phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận, hội, đoàn thể các cấp làm tốt công tác điều tra, xác định đối tượng vay và khẩn trương giải ngân vốn theo quy định. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn của hộ vay, đảm bảo đầu tư đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao.
Đăng Khôi