Bế mạc phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; đại biểu điểm danh bằng thẻ nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật của phiên họp... là những nội dung đáng chú ý của Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Chiều 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bế mạc phiên họp thứ 40, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc phiên họp. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp. Tuy nhiên, Nội quy cần được sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, hợp lý, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong quy trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội tại kỳ họp. Dự thảo Nội quy sửa đổi về cơ bản có bố cục tương tự Nội quy hiện hành, gồm 5 chương với 62 điều; các điều luật được đặt tên. Trong đó, 33 Điều được bổ sung, 25 Điều được sửa đổi và 4 Điều được kế thừa nguyên văn như quy định hiện hành; đồng thời bỏ một số điều của Nội quy hiện hành vì đã được thu hút vào Luật tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết khác có liên quan hoặc không còn phù hợp với quy định mới về thẩm quyền của Quốc hội.

Dự thảo Nội quy được UBTVQH đánh giá là sửa đổi, bổ sung một cách toàn diện, song nhiều ý kiến cho rằng có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung chưa hợp lý.

Trong đó, một trong những nội dung được UBTVQH quan tâm là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Cụ thể, theo dự thảo Nội quy, ĐBQH có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp tại kỳ họp; góp ý kiến về nội dung của kỳ họp, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Trong trường hợp không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp, đại biểu Quốc hội gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội, nêu rõ lý do và thời gian vắng mặt để báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

Góp ý vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định này chưa đề cao trách nhiệm của ĐBQH. “ĐBQH là đại diện của nhân dân mà trong mấy kỳ họp thấy vắng hoe, tôi đề nghị phải quy định chặt chẽ hơn” – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu phát biểu.

Với quy định ĐBQH gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội xin vắng mặt, ông cho rằng “không phù hợp mà phải gửi cho Trưởng đoàn ĐBQH trước”. Mặt khác, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng quy định điểm danh tại phiên họp toàn thể được thực hiện bằng hệ thống điểm danh điện tử là chưa khả thi bởi “đại biểu có thể không mang thẻ về hoặc nhờ người khác điểm danh hộ”, do đó cần phải có quy chế và chế tài sử dụng thẻ.

Cũng về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng nên phân loại các mức độ nghỉ của ĐBQH. “Nếu nghỉ 1,2 ngày thì giao cho Trưởng đoàn quyết định, nghỉ dài ngày thì Tổng thư ký quyết định còn nghỉ cả kỳ họp thì bắt buộc Chủ tịch Quốc hội quyết định” – ông đề nghị.

Một điểm đáng chú ý khác của dự thảo Nội quy là bổ sung thành phần khách mời dự thính là các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người đã giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, vì đây là khách mời dự thính thường xuyên tại các kỳ họp Quốc hội.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đều đề nghị phải tính toán, cân nhắc kỹ bởi nếu mở rộng thì phải đảm bảo tất cả các điều kiện tốt nhất cho khách mời dự thính.

Còn Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, chỉ nên đưa nguyên tắc mà không nên quy định cứng như dự thảo Nội quy bởi “quy định cứng sẽ dẫn đến có thể mời không hết, không khả thi, tính chất mỗi kỳ họp khác nhau thì khách mời khác nhau”.

Không đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng bày tỏ tha thiết mong muốn mở rộng thành phần khách mời dự thính. Ông nhấn mạnh: “Hiện nay ta đang có điều kiện tốt nhất từ trước đến giờ, đó là có nhà Quốc hội – nơi Quốc hội họp, nơi hình thành nền dân chủ đại diện nên rất mong muốn gắn nhà Quốc hội với việc nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là thanh niên, sinh viên về chế độ bầu cử, nền dân chủ đại diện, cách thức bầu cử”.

Ngoài ra, thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH đồng tình với quy định mỗi lần chất vấn, ĐBQH đặt câu hỏi trong thời gian không quá 02 phút. Người bị chất vấn trả lời câu hỏi của một đại biểu trong thời gian không quá 05 phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn. Chủ tọa có quyền nhắc trong trường hợp đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi không đúng nội dung phiên chất vấn, người bị chất vấn trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Nội quy và Ủy ban Pháp luật thẩm tra dự thảo Nội quy để tiếp tục đưa ra thảo luận tại Phiên họp tiếp theo của UBTVQH./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam