Cho ý kiến về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 17/8, các đại biểu cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); cho ý kiến về việc gia nhập Công ước Viên năm 1980.

Thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), các đại biểu cho rằng dự thảo Bộ luật cần quán triệt tinh thần của Hiến pháp 2013, trong đó xác định tranh tụng là khâu đột phá trong cải cách tư pháp và nguyên tắc tranh tụng cần được quán triệt trong các giai đoạn xét xử.

Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4 của dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), một số ý kiến đồng tình với dự thảo. Theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Vì cho rằng nội dung này bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng thì Tòa án áp dụng nguyên tắc chung của Luật, án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trước mắt chưa nên quy định nội dung này trong Luật.

Báo cáo của Thường trực Ủy ban Tư pháp - cơ quan thẩm tra dự thảo Bộ luật đề xuất 2 phương án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về quy định trên gồm: phương án 1: Không quy định; phương án 2: Giữ như quy định tại Điều 4 của dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Đánh giá đây là một quy định mang tính nhân văn, cần phải ủng hộ mạnh mẽ, tuy nhiên Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thể hiện sự không đồng tình khi báo cáo xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về quy định quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp lại được thể hiện ở phương án thứ 2, trong khi đó phương án không quy định nội dung này lại để ở phương án 1. Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng, Ban soạn thảo chưa đưa ra những lý lẽ thuyết phục để khẳng định sự cần thiết của quy định này.

 

Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu ý kiến
tại phiên họp chiều 17/8. (Ảnh: TTXVN)

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định cần thiết phải quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” vào trong dự thảo Bộ luật. Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị đưa phương án 2 quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ án dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” lên làm phương án 1 khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vấn đề này, Thường trực Uỷ ban Tư pháp có quan điểm khác. Theo đó, chủ trương mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân như quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật là bước chuyển quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước nơi mà Tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, Toà án nhân dân xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì khi xét xử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo pháp luật, vì vậy nếu chưa có điều luật để áp dụng thì Tòa án sẽ không có căn cứ để giải quyết vụ việc dân sự, sẽ không thể phát triển được án lệ để Tòa án áp dụng giải quyết vụ án; việc áp dụng tập quán, nguyên tắc tương tự hoặc theo lẽ công bằng dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện trong xét xử, gây ra những hậu quả khó lường hết được. Do đó, Thường trực Uỷ ban Tư pháp đề nghị trước mắt chưa nên quy định nội dung Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Khẳng định đây là dự án Bộ luật quan trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, mục đích quan trọng của dự án Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) là cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nguyên tắc tranh tụng. Nhưng theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý thì trong dự thảo Bộ luật này, nguyên tắc tranh tụng của Hiến pháp lại chưa được thể hiện rõ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, dự án Bộ luật phải quán triệt tinh thần của Hiến pháp mới và Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Trong đó, xác định tranh tụng là khâu đột phá trong cải cách tư pháp, là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, để bảo đảm được nguyên tắc tranh tụng có rất nhiều khâu từ việc tranh luận tại phiên tòa, từ việc quyền của luật sư, quyền của đương sự… Kết quả tranh tụng dựa trên cơ sở tranh luận tại phiên tòa để đi đến lẽ phải. “Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát lại các chế định trong dự thảo Bộ luật này để bảo đảm thực hiện đúng tinh thần tranh tụng” - Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị.

Ngoài các nội dung trên, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về vị trí, vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự; sự tham gia của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự; thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm; công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án; sự tham gia xét xử các vụ án lao động của Hội thẩm là đại diện của tổ chức Công đoàn…

Cũng trong chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc gia nhập công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

Công ước Viên là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về thương mại đa phương, được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi tại 83 thành viên, trong đó có rất nhiều thành viên là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Qua thảo luận, đa số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước Viên năm 1980.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam