Bổ sung các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam
Về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam (Điều 9), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự án Luật được chỉnh lý theo hướng quy định một số quyền, nghĩa vụ cơ bản nhất, trực tiếp liên quan đến người bị tạm giữ, tạm giam, còn một số quyền khác được thực hiện như thế nào sẽ do các đạo luật chuyên ngành đang quy định điều chỉnh.
Thường trực Uỷ ban Tư pháp đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để bổ sung các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam (TGTG) như: Quyền bầu cử; quyền gặp luật sư, người bào chữa; quyền được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nếu người bị TGTG đóng bảo hiểm y tế, tăng cường hơn một số chế độ của người bị TGTG...
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, nhiều khi việc tiến hành TGTG là để bảo vệ nhân chứng hay điều tra làm rõ vụ án. Một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, trước hết, họ vẫn là con người, công dân Việt Nam, có đầy đủ các quyền. Mặc dù dự thảo Luật đã liệt kê một số quyền của người bị TGTG, nhưng chưa làm rõ họ được quyền gì khi phải tạm trú ở một cơ quan bị kiểm soát chặt chẽ?
Dẫn chứng về quyền tiếp cận thông tin, ông Ksor Phước đặt câu hỏi: Những người bị TGTG thì được tiếp cận ở mức độ nào? Có quyền được gọi điện thoại ra ngoài không? Nếu không cho phải ghi cho rõ; hay như người bị tạm giam thì có được nhận và gửi thư ra ngoài không?. Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng đặc biệt lưu ý vấn đề tiếp cận thông tin đời sống xã hội, ví dụ: Lãnh đạo một doanh nghiệp bị tạm giữ 5 ngày không ký được các hợp đồng giao dịch thì doanh nghiệp có thể có nguy cơ bị phá sản. “Phải bảo đảm quyền công dân cho họ, bởi lúc này họ vẫn chưa phải người có tội"- ông Ksor Phước nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý. (Ảnh: TTXVN)
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu quan điểm, người bị TGTG chưa phải là người có tội nên quyền của họ phải được bảo đảm; cho rằng, trong đó, đặc biệt lưu ý đến các đối tượng bị cùm chân.
Đối với trường hợp người bị TGTG chết tại cơ sở này, ngoài việc quy định Thủ trưởng Cơ quan TGTG phải kịp thời báo với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát… như dự thảo Luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, cần quy định thân nhân phải được quyền chứng khiến việc khám nghiệm tử thi hay được quyền yêu cầu giám định pháp y…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Người bị TGTG chưa bị xử án kết tội, nên chưa bị hạn chế quyền công dân. Do đó, người bị TGTG phải có khu riêng, không thể nhốt chung với người ở tù.
Có nên mở rộng quyền điều tra cho kiểm ngư, chứng khoán?
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là các vi phạm về thuế, chứng khoán, tội phạm trên biển ngày càng gia tăng, do đó, vấn đề tổ chức cơ quan điều tra cũng phải đặt ra để phù hợp.
Theo Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, hoạt động kiểm ngư, thuế, chứng khoán đều là lĩnh vực có tính hết sức đặc thù. Kiểm ngư không trao cho họ quyền này thì khó khăn trong thực hiện bảo vệ pháp luật trên biển. Mặc dù đã có cơ quan cảnh sát biển nhưng phân vùng khác nhau, cảnh sát biển hoạt động theo vùng, còn kiểm ngư theo đơn vị hành chính. Trong khi đó, những sai phạm về thuế hay chứng khoán cũng tồn tại dưới nhiều dạng, nếu đơn vị điều tra ban đầu sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn sớm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã đồng tình mở rộng thẩm quyền điều tra ban đầu đối với cơ quan kiểm ngư, chứng khoán. Ông Trần Đình Nhã cho biết: Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội chứng khoán quốc tế, hơn nữa, lãnh đạo của ngành chứng khoán am hiểu về chứng khoán còn hơn cả cơ quan điều tra. Vì vậy, giao cho cơ quan này thẩm quyền trên là phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại cho rằng, chỉ nên bổ sung thẩm quyền cho lực lượng kiểm ngư, bởi công việc của họ cần phải làm ngay, biển lại rất mênh mông, liên quan đến cả bảo vệ chủ quyền biển. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đã giao cho lực lượng kiểm ngư thẩm quyền điều tra thì đừng có quá hạn chế.
"Giao quyền đến đâu thì tính cho kỹ, nhưng không chuyển họ thành cơ quan điều tra mà phải tìm một cái tên cho thích hợp. Tuy nhiên, khi đã có quyền lớn thì cũng phải có trách nhiệm lớn đi kèm, nếu làm sai hay vi phạm thì phải chịu trách nhiệm"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Nêu rõ, hiện đã có 4 cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra tiền tố tụng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề xuất, không nên bổ sung thêm các cơ quan trên tiến hành một số hoạt động điều tra. Bởi thực tế thời gian qua, công việc của những cơ quan này chưa nhiều. Mặt khác, việc bổ sung nhằm bổ khuyết đặc thù của các cơ quan điều tra chuyên trách, vì vậy, những nơi đã có rồi thì không nên thành lập. Dẫn chứng kiểm ngư đã có cảnh sát biển, thuế đã có hải quan; trên thực tế còn nhiều cơ quan như: Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, quan trọng là sự phối hợp giữa các cơ quan này và điều tra chuyên trách. “Cần tính toán, quy định cụ thể. Nếu bổ sung sẽ tăng đầu mối, chồng chéo chức năng” - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nói./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam