Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tri ân các thế hệ ngoại giao

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày thành lập ngành Ngoại giao, ngày 16/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn cán bộ Bộ Ngoại giao về thăm Khu di tích của Bộ tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và là vị Bộ trưởng đầu tiên, ngành Ngoại giao đã viết nên những truyền thống đáng tự hào, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc là truyền thống nổi bật nhất của ngành Ngoại giao, đây là nguyên tắc, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành, bất kể hoạt động đó diễn ra trong hoàn cảnh và điều kiện nào.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Luôn trung thành với Đảng, với lợi ích của dân tộc
là truyền thống nổi bật nhất của ngành Ngoại giao. Ảnh VGP/Hải Minh

Truyền thống của ngành Ngoại giao còn được thể hiện qua sự kiên trì về nguyên tắc, nhưng luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong trong xử lý các tình huống. Khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, ngành Ngoại giao đã vận dụng sáng tạo sách lược “hòa để tiến”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Ngoại giao đã kiên trì sách lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Trong thời kỳ đổi mới đất nước, ngành Ngoại giao quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng: “Làm bạn và đối tác” với tất cả các nước - một sự phát triển mới trong tư duy “làm bạn với các nước, không gây thù chuốc oán với ai” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ năm 1945.

Phó Thủ tướng trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử của Bộ Ngoại giao,
nơi khởi nguồn của ngành Ngoại giao. Ảnh VGP/Hải Minh

Nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại còn gắn chặt với văn hóa dân tộc, tiếp nối truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân nghĩa, thủy chung của dân tộc Việt Nam, qua đó tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi ở trong nước cũng như trên thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất và phát triển đất nước.

Truyền thống của ngành Ngoại giao còn thể hiện ở tinh thần hợp tác và cầu thị, chủ động và sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, trước hết là với ngành Quốc phòng và An ninh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại chung của đất nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong muốn các thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay cũng như trong tương lai tiếp tục học tập, phấn đấu làm rạng rỡ hơn nữa truyền thống vẻ vang của ngành suốt 70 năm qua.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Ngoại giao phải tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, đưa các mối quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, góp phần giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển, đồng thời đóng góp vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước.

Phó Thủ tướng ghi Sổ vàng lưu niệm. Ảnh VGP/Hải Minh

Cùng ngày, Phó Thủ tướng đã đến thắp hương tại Khu di tích lịch sử của lực lượng Công an Nhân dân tại xã Minh Thanh để tưởng nhớ, tri ân các thế hệ cán bộ chiến sĩ đã hi sinh, chiến đấu bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc.

Phó Thủ tướng và đoàn đã nghe giới thiệu về truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân, ghi Sổ vàng lưu niệm tại Khu di tích.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đã trao tặng món quà trị giá 50 triệu đồng cho Quỹ khuyến học của xã Minh Thanh với mong muốn góp phần tạo điều kiện cho trẻ em nghèo đến trường và vươn lên trong cuộc sống.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh muốn phát triển trước hết lãnh đạo xã Minh Thanh, nơi có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, phải hết sức coi trọng phát triển con người.

Đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao rời Hà Nội lên xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

Cùng năm, Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại diện Cao ủy Pháp tại Thái Nguyên; gửi điện của Chính phủ ta đến Chính phủ Pháp đề ghị chấm dứt chiến sự, thương lượng hòa bình.

Giai đoạn 1947–1949, mở cơ quan đại diện của Chính phủ ta tại Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ; lập phòng thông tin ở 10 nước; tham gia các đoàn vận động quốc tế, đưa thông tin, hình ảnh kháng chiến vượt vòng vây tới bạn bè thế giới.

Năm 1950, Bộ trưởng Ngoại giao nước ta trao đổi công hàm với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Liên Xô, Trung Quốc và 8 nước Á–Âu, dẫn đến việc Việt Nam và các nước này công nhận lẫn nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cũng từ 1950, Bộ cử cán bộ lập cơ quan ngoại giao tại Trung Quốc, Liên Xô; biên soạn tài liệu tuyên truyền trong nước, ngoài nước, vận động nhân dân Pháp và thế giới đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam.

Năm 1954, Bộ Ngoại giao từ biệt chiến khu và bà con Minh Thanh trở về Thủ đô Hà Nội nhưng nghĩa tình với đồng bào Việt Bắc đậm sâu mãi mãi.

Nguồn www.chinhphu.vn