Cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật

Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đa số ý kiến đồng tình cần phải có một đạo luật để điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, cao hơn phù hợp với Hiến pháp mới, tương thích với các điều ước quốc tế, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của người có tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, tổ chức tôn giáo, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thảo luận tại phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)

Dự thảo Luật quy định về sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của những nhóm người có nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo nhưng chưa có tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Theo đó, để đăng ký sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo cần đáp ứng các điều kiện nhất định. Quyền, trách nhiệm của tổ chức tôn giáo sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đăng ký hoạt động và giao Chính phủ sẽ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, thu hồi đăng ký hoạt động tôn giáo.

Các quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của công dân phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định về các hoạt động của tổ chức tôn giáo từ hội nghị, đại hội, thẩm quyền chấp thuận hội nghị, đại hội, hiến chương, điều lệ sửa đổi; điều kiện, thẩm quyền chấp thuận phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng như người có quốc tịch nước ngoài hoạt động cho tổ chức tôn giáo của Việt Nam; tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo và trách nhiệm, quyền của tổ chức tôn giáo, chức sắc khi thực hiện các hoạt động trên; trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tạm đình chỉ, đình chỉ khi vi phạm các quy định; trách nhiệm đăng ký người vào tu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú. Quy định về đăng ký hoạt động tôn giáo hằng năm, hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký. Giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục tổ chức hội nghị, đại hội; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tôn giáo của chức sắc, chức việc, nhà tu hành.

Thẩm tra dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật này để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo.

Về hoạt động tín ngưỡng, nhiều ý kiến đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về lĩnh vực này, nhằm bảo đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn.

Đối với hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo, đa số nhất trí với quan điểm khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội. Việc cho phép mở rộng phạm vi hoạt động xã hội của các tổ chức, cá nhân tôn giáo vừa đáp ứng mong muốn của các tổ chức tôn giáo, vừa góp phần huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tăng cường sự gắn bó, đồng hành của các tổ chức, cá nhân tôn giáo với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc.

Thảo luận tại phiên họp, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, nên mở rộng một số điều luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân trong nước và người nước ngoài ở Việt Nam để được bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Bà Trương Thị Mai cho rằng, phần tín ngưỡng trong Luật còn mờ nhạt so với mảng tôn giáo. Đề nghị phân định lại phạm vi quản lý Nhà nước phù hợp, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội góp ý phải thêm một khoản nữa là cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, đạo đức xã hội. Đồng thời, cần thêm một điều khoản nữa là cấm lợi dụng tôn giáo để trục lợi, vì hiện nay ở nhiều đình, chùa, đền dựng thêm tượng Phật và thêm hòm công đức.

Lấy dẫn chứng về những vụ xung đột tôn giáo trên thế giới, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ vai trò của Nhà nước trong những trường hợp đó để vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, vừa đảm bảo thực thi pháp luật. Các đại biểu cũng góp ý vào các quy định về tổ chức tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện- nhân đạo, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo…/.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam