Nhiều ý kiến quanh việc nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18

Nên hay không nên nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18 tuổi là vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến khi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) trong phiên họp chiều ngày 14/8.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Cân nhắc nâng độ tuổi trẻ em

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành năm 1991, sau đó sửa đổi năm 2004. Quá trình thực thi, đạo luật này bắt đầu bộc lộ những bất cập, thiếu sót, trong đó có việc quy định độ tuổi trẻ em từ 16 tuổi trở xuống. Chính vì thế, trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đề xuất nâng độ tuổi trẻ em đến dưới 18.

Là người đầu tiên cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ đồng tình việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Theo bà, việc nâng tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi là một bước hòa nhập vào luật pháp quốc tế. Thực tế, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Việt Nam tham gia từ năm 1990) quy định độ tuổi trẻ em dưới 18. Đồng thời, việc nâng độ tuổi cũng thể hiện sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội với lứa tuổi từ 16-18 tuổi.

Cũng đồng tình nâng độ tuổi trẻ em, song Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng muốn cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lý giải thuyết phục hơn. Bởi theo ông, về nguyên lý thì khi cuộc sống đi lên, khoa học phát triển, tâm sinh lý trẻ em phát triển nhanh hơn... thì đáng lẽ tuổi trẻ em phải giảm. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc sửa đổi luật nhằm mục đích cuối cùng là để trẻ em có điều kiện phát triển tốt nhất, nhưng dự luật còn thiếu một điều, đó là vị trí, vai trò của người lớn tuổi với trẻ em. “Tôi mong muốn trong Luật có nội dung này và phải phân tầng lứa tuổi trẻ em” – ông đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nâng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi phải tính kỹ càng. Ông phân tích, từ 16 đến 18 tuổi thì nhiều em đã lao động, nên nếu không tính kỹ thì không khéo sẽ hãm lại một lực lượng lao động quan trọng. Thêm vào đó, “đến một trường cấp 3 mà nói các cháu là trẻ em thì các em cười ầm cho” – ông nói thêm.

Cũng đánh giá việc nâng độ tuổi trẻ em là một đột phá, song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh, xây dựng luật cần bảo đảm tính khả thi. “Muốn nâng tuổi trẻ em từ 16 đến dưới 18 thì đã lấy ý kiến những người trong độ tuổi này chưa? Nếu ngồi trong phòng lạnh mà làm luật thì không được. Tôi sợ là độ tuổi này không chịu làm trẻ em đâu” – ông phát biểu.

Chưa rõ trách nhiệm gia đình, xã hội

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ sốt ruột khi theo dõi trên thông tin báo chí thấy nhiều vụ xâm hại, bắt cóc, buôn bán trẻ em... nhưng tổng kết của Chính phủ chưa rõ, không nói tình trạng bảo vệ trẻ em có tiến bộ hơn hay tệ hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị lần này sửa luật phải cụ thể hơn, phải tính đến tính khả thi của luật chứ không thể chỉ hô hào. Theo đó, Luật phải quy định rõ trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội và đi theo đó là xử lý những người chưa thực thi trách nhiệm.

Đồng tình với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, dự luật đặt nặng trách nhiệm của nhà nước chứ chưa làm nổi bật được trách nhiệm của gia đình, xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng nhận xét, một số Điều mang tính chất kêu gọi xã hội chứ chưa thấy khả thi trong cuộc sống, nhiều quy định chung chung chứ không quy trách nhiệm về ai. Một vấn đề quan trọng khác được Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc đến là Luật chưa đề cập đến việc giáo dục thái độ của trẻ em, cụ thể là thái độ của trẻ em đối với gia đình, đối với thầy cô.

Ghi nhận sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, song Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nhiều quy định của dự luật còn yếu hơn so với Công ước liên hợp quốc. Bà ví dụ, Điều 16 của Công ước Liên hợp quốc quy định “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình, nhà cửa hay thư tín của các em cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự và thanh danh của các em. Trẻ em có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại sự can thiệp hay công kích như vậy” nhưng dự luật chưa tiếp cận được điều này.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, dự luật chưa thể hiện được trách nhiệm của cha mẹ là hàng đầu như Công ước Liên hợp quốc đã ghi.

Quan tâm đến quyền trẻ em, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Hiến pháp đã quy định trẻ em được tham gia vào các vấn đề của trẻ em, nên luật phải cụ thể hóa chi tiết hơn quyền trẻ em là gì nhằm khắc phục những vướng mắc khi triển khai các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam