Đề nghị nâng dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng lên thành Luật

Sáng 13/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho ý kiến về Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp
và công nhân, nhân viên Quốc phòng. (Ảnh: TTXVN)

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và công nhân, nhân viên quốc phòng đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của QNCN theo cấp bậc quân hàm là: Cấp uý QNCN: nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi; Thiếu tá QNCN: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Trung tá QNCN: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá QNCN: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Riêng đối với một số chức danh như chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa nếu quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ như trên thì không phù hợp về sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đối với công nhân, viên chức quốc phòng: Hạn tuổi cao nhất phục vụ trong quân đội của công nhân, viên chức quốc phòng được quy định phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Thẩm tra dự án Pháp lệnh, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Ngoài ra, đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng tán thành quy định bậc quân hàm cao nhất của QNCN. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định phù hợp từng trình độ cụ thể hơn, theo đó: QNCN có trình độ sơ cấp cao nhất là Trung úy; trình độ trung cấp cao nhất là Đại úy và trình độ đại học cao nhất là Thiếu tá; QNCN có trình độ thạc sĩ cao nhất là Trung tá; có trình độ tiến sĩ cao nhất là Thượng tá. Có ý kiến đề nghị quy định thời hạn để xét nâng lương và phong, thăng quân hàm QNCN tương ứng.

Về hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của QNCN theo cấp bậc quân hàm, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị cần xem xét để bảo đảm tương thích với độ tuổi phục vụ của sĩ quan, tránh gây mâu thuẫn và quy định theo hướng trình độ chuyên môn cao thì hạn tuổi phục vụ cao; đồng thời quy định hạn tuổi theo nhóm chức vụ, chức danh để phù hợp với sức khỏe, bảo đảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Bên cạnh đó, đề nghị làm rõ về quy định “thợ lành nghề” hoặc “có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi” là những trường hợp được kéo dài thời hạn phục vụ; xem xét vấn đề quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất của cấp úy QNCN là 51 tuổi hoặc 53 tuổi để bảo đảm chế độ, chính sách sau khi về hưu vì số lượng cấp úy chiếm đa số. Có ý kiến đề nghị quy định độ tuổi cao nhất của Thiếu tá và Trung tá QNCN là 54 tuổi và cấp Thượng tá là 56 tuổi.

Giải trình thêm tại phiên họp, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Bậc quân hàm của QNCN thực tế là phiên tương ứng từ hệ số mức thang lương. Đó là danh dự, biểu trưng của người đang làm trong quân đội.

Cũng làm rõ thêm tại sao cấp bậc quân hàm của QNCN không có hàm Đại tá, đại diện Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng cho hay: Trong quá trình thực tiễn cho thấy, xác định quân hàm Thượng tá là phù hợp với thang bậc lương và hệ số lương. Khi phục vụ đến mức lương tương đương Thượng tá cũng là hết tuổi tại ngũ và hưởng chế độ nghỉ hưu. Nếu nâng lên Đại tá khi đó sẽ phát sinh nhiều thang bậc lương.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị nâng dự án Pháp lệnh thành dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng và xin bổ sung vào chương trình kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới và thông qua tại một kỳ họp. Như vậy, để vừa nâng giá trị pháp lý, vừa để phù hợp với khoản 12, Điều 70 của Hiến pháp 2013./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam