Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin. Đa số các ý kiến cho rằng việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là điều kiện cần thiết để người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; góp phần nâng cao tính minh bạch của chính sách, nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước.

Thảo luận tại Hội trường, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tiếp cận thông tin nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền tiếp cận thông tin.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật Tiếp cận thông tin loại trừ ra khỏi phạm vi điều chỉnh việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư; thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang lưu trữ lịch sử; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán, tố tụng nêu trên là phù hợp.

Dẫn chứng thời gian qua xảy ra tình trạng hội chứng “mật”, khi tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật được áp dụng tràn lan, "thậm chí thư mời đi họp cũng ghi là mật”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cần rà soát kỹ trên tinh thần cố gắng mở hết sức, những vấn đề gì mật, tối mật thì phải quy định cụ thể để dân biết.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Dứt khoát phải rà soát để đưa ra danh mục những loại thông tin không cung cấp được, nhằm bớt đi sự mơ hồ của người dân, đồng thời tăng cường tính trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức với người dân”.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, đối với việc tiếp cận thông tin thuộc bí mật nhà nước, cần có giới hạn nhất định, nhằm bảo đảm lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp và của công dân. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay do quy định của pháp luật về bí mật nhà nước còn quá chung, chưa cụ thể và việc tổ chức thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chưa tốt nên có tình trạng xác định độ mật chưa thống nhất. Điều này đã làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi của Luật Tiếp cận thông tin sau khi được ban hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật, khắc phục những bất cập nêu trên, đề nghị Nhà nước sớm ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để thay cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Liên quan đến chi phí tiếp cận thông tin, Dự thảo Luật quy định: “Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí in ấn, sao chép, chụp, gửi hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nhu cầu thông tin của người dân là nhu cầu có thật nên luật ra đời phải tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tiếp cận và trên tinh thần phục vụ thực sự.

“Nếu người dân đến UBND xã, phường mà phải trả phí thì hình như có cái gì đó cản trở quyền tiếp nhận thông tin. Quy định như trong dự thảo phải trả phí trước khi tiếp cận thông tin thì đồng nghĩa với việc không có tiền thì không có thông tin. Như vậy nghe có vẻ tinh thần phục vụ hơi yếu?” – bà Mai băn khoăn.

Theo đó, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị nên tính toán kỹ những loại thông tin phải thu phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần phải làm rõ những trường hợp nào thông tin được cung cấp miễn phí, trường hợp nào phải trả phí, cách tính phí như thế nào…?

Một số ý kiến đề nghị, cần làm rõ việc xử lý đối với cơ quan đưa tin không chính xác và việc khắc phục hậu quả do việc đưa tin không chính xác đã xảy ra đối với công dân; đồng thời đề nghị cần quy định cụ thể hơn về "Trường hợp phát hiện ra những thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây ảnh hưởng đến đến trật tự, an toàn xã hội" để làm cơ sở cho cơ quan nhà nước có trách nhiệm chủ động công khai thông tin chính thức và bảo đảm tính khả thi…/.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam