Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Ông Đỗ Đức Duy sinh năm 1970, quê quán huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Đỗ Đức Duy từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng; Chánh văn phòng Bộ Xây dựng.
Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Lâm Đồng, Phú Yên
Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Lâm Đồng và Phú Yên đến năm 2020.
Cụ thể, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch các KCN Phú Hội từ 174 ha xuống còn 109 ha; Lộc Sơn từ 185 ha xuống còn 183 ha và Tân Phú từ 415,49 ha xuống còn 328 ha; đổi tên KCN Đô thị - Tân Phú thành KCN nông nghiệp Tân Phú.
UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thực hiện quy hoạch đã được duyệt; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập KCN theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định.
Đối với tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giảm diện tích quy hoạch các KCN: Hòa Hiệp 2 từ 221 ha xuống còn 106 ha; Công nghệ cao từ 370 ha xuống còn 251,6 ha; An Phú từ 100 ha xuống còn 68,4 ha; đưa ra khỏi quy hoạch KCN Đa ngành 1.
Đồng thời bổ sung vào quy hoạch KCN Đông Bắc Sông Cầu - khu vực 2 với quy mô diện tích là 82 ha.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Phú Yên thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên phù hợp với quy hoạch phát triển các KCN theo quy định hiện hành; chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng quy hoạch chi tiết, thành lập, mở rộng KCN phù hợp với khả năng thu hút đầu tư, tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định.
UBND tỉnh Phú Yên triển khai xây dựng nhà ở công nhân và các công trình phúc lợi xã hội tại các KCN để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của người lao động.
Phê duyệt danh mục Dự án do WB viện trợ
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)" do Ngân hàng Thế giới (WB) viện trợ không hoàn lại.
Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản Dự án.
Dự án nhằm hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển các giải pháp công nghệ và tăng cường các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tăng trưởng xanh thông qua việc thành lập, vận hành trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hoạt động chủ yếu của Dự án gồm 3 hợp phần: 1- Thành lập, tổ chức hoạt động của trung tâm VCIC và hỗ trợ phát triển chính sách về đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu; 2- Các dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm tài trợ cho các doanh nghiệp; 3- Xây dựng trang thông tin điện tử, cơ sở dữ liệu và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.
Dự án hỗ trợ cơ quan chủ quản thành lập và vận hành hiệu quả trung tâm VCIC trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng Khung chính sách hỗ trợ đầu tư tư nhân; tăng số lượng doanh nghiệp và ý tưởng sáng tạo công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; dần dần hình thành ngành công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu; thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin điện tử.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầu các cơ quan từ nay đến cuối năm 2015 phải tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo các lĩnh vực trọng tâm được giao.
Chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản
Để thúc đẩy công tác cải cách hành chính nói chung và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nói riêng, Phó Thủ tướng yêu cầu, về công tác xây dựng thể chế, các cơ quan cần tập trung hoàn thành kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chấm dứt tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Nâng cao chất lượng cơ chế một cửa
Về công tác cải cách thủ tục hành chính, tập trung quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo các lĩnh vực trọng tâm được giao tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016; tiếp tục rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém cho cá nhân và tổ chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; phấn đấu đến cuối năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức; chuẩn hóa, công bố công khai thủ tục hành chính và hoàn thành đơn giản hóa 13 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015 theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 6/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương để giảm thời gian, chi phí thực hiện của cá nhân và tổ chức...
Bảo đảm bộ máy tinh gọn
Về cải cách công chức, công vụ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương hoàn thành dứt điểm việc xây dựng đề án vị trí việc làm; tiếp tục đổi mới cách thức thi tuyển công chức, viên chức bảo đảm công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển; thực hiện đơn giản hóa hồ sơ dự tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch, xét tuyển công chức...
Bên cạnh đó, các cơ quan tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, khắc phục chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ, bỏ trống quản lý, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước và mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân và tổ chức...
Bố trí vốn xây dựng hệ thống CNTT phục vụ hải quan 1 cửa
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa đồng ý bổ sung Dự án Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ thí điểm cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào danh mục kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý điều chuyển 10,326 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2015 không sử dụng hết của Dự án Sửa chữa nâng cấp hồ Đắk Uy, tỉnh Kon Tum và Dự án Sửa chữa nâng cấp cụm hồ Sơn La, tỉnh Sơn La để bổ sung cho Dự án trên.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý cụ thể theo quy định.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các thủ tục đầu tư Dự án trên theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành có liên quan; chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; thực hiện kết nối liên ngành để phối hợp hoạt động quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
về công nghệ, chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Dự án được thực hiện từ tháng 8/2015 đến tháng 7/2019 với tổng kinh phí là 4,18 triệu USD, trong đó vốn ODA 3,8 triệu USD do WB viện trợ không hoàn lại, vốn đối ứng Việt Nam 380.000 USD tương đương khoảng 8 tỷ VNĐ (được bố trí từ nguồn ngân sách trung ương trong dự toán hàng năm của Bộ Khoa học và Công nghệ).
Đưa võ cổ truyền vào chương trình giáo dục phổ thông
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai nội dung tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ, bài võ cổ truyền trong các trường phổ thông.
Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý việc triển khai từ năm học 2015-2016 các nội dung đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất về tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ và đưa võ cổ truyền Việt Nam vào chương trình giáo dục thể chất trong các cấp học phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương.
Phát triển giáo dục toàn diện đối với học sinh phổ thông không thể thiếu vai trò của giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, trong đó việc duy trì đều đặn hoạt động tập thể dục, tập luyện các bài võ cổ truyền là hết sức cần thiết, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần xây dựng lối sống lành mạnh, có kỷ cương, nền nếp, ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc.
Nguồn Văn phòng Chính phủ