Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành LĐTB&XH. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, cùng 450 đại biểu ưu tú đại diện cho hàng vạn cán bộ ngành LĐTB&XH… đến dự.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.
Góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội
Ra đời ngay sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngành LĐTB&XH đã bắt tay ngay việc tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và tham gia tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách giải quyết những vấn đề bức thiết nhất như thành lập Hội Cứu đói nhằm tìm kiếm nguồn lương thực, thực phẩm để cứu giúp người nghèo; thành lập Ủy ban Tối cao tiếp tế và cứu tế của Chính phủ; ban hành quy định chế độ ưu đãi đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.
Trải qua 70 năm phát triển và trưởng thành, ngành LĐTB&XH luôn giữ vị trí quan trọng trong thực hiện chính sách lao động, người có công và bảo đảm an sinh xã hội. Hoạt động của ngành trực tiếp tác động tới cuộc sống của mọi gia đình Việt Nam và có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội, tạo dựng môi trường đầu tư, ổn định chính trị xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết những năm gần đây, hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách về lao động, thương binh và xã hội được xây dựng tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh trong các lĩnh vực lao động; người có công; xã hội... Đặc biệt, những thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã đạt được những thành công quan trọng, được nhân dân và bạn bè quốc tế công nhận. Ngành đã xây dựng các chiến lược: Việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo, gắn với các chiến lược này là các chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, dạy nghề, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội…
Trong lĩnh vực người có công, chính sách ưu đãi đã tập trung vào đối tượng có cống hiến trong hai cuộc kháng chiến. Trong lĩnh vực xã hội, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện theo hướng gắn với phát triển bền vững và thực hiện công bằng xã hội…
Ngành LĐTB&XH cũng góp phần quan trọng thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, giải quyết các vấn đề liên quan tới lao động, xã hội trong quan hệ hợp tác song phương và trên nhiều diễn đàn đa phương; nâng cao vai trò vị thế của Việt Nam, thiết lập mối quan hệ hài hòa giữa các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện các cam kết, chương trình hợp tác, cải thiện môi trường đầu tư, hình ảnh đất nước, v.v...
Giai đoạn 2011-2014, mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động, dạy nghề cho 1,8 triệu lao động, tăng 18% so với giai đoạn 2006-2010, đưa bình quân trên 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, tăng 10,6%.
Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất tinh thần cho người có công và gia đình có công với cách mạng. Các quỹ đền ơn đáp nghĩa đã huy động được 1.500 tỉ đồng; xây mới trên 55.000 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa trên 39.000 ngôi nhà, 96% gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc hơn mức sống trung bình ở địa phương.
Đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên đến cuối năm 2014 là 2,6 triệu người, tăng hơn 2 lần so với cuối năm 2010.
Ngành LĐTB&XH đã tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần không nhỏ làm giảm tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước từ 14,2% cuối năm 2010 xuống còn dưới 6% cuối năm 2014…
Những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ ngành LĐTB&XH được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, đặc biệt là tấm Huân chương Hồ Chí Minh mà ngành vinh dự đón nhận hôm nay.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Từ các phong trào thi đua của ngành LĐTB&XH đã xuất hiện
nhiều tập thể, cá nhân điển hình, nhiều mô hình hay về giải quyết việc làm, dạy nghề phục vụ
xuất khẩu lao động, về giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nhóm người yếu thế,
người cao tuổi, về tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân tệ nạn xã hội… (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thi đua để lan tỏa những yếu tố tích cực trong đời sống
Tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐTB&XH và nhiệt liệt biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu, những điển hình tiên tiến đã lập được những thành tích xuất sắc trong thời gian qua.
Từ các phong trào thi đua của ngành LĐTB&XH đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, nhiều mô hình hay về giải quyết việc làm, dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động, về giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nhóm người yếu thế, người cao tuổi, về tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân tệ nạn xã hội…
"Các phong trào thi đua yêu nước không chỉ nhằm giải quyết được các vấn đề, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu nêu trong các chiến lược, quy hoạch hay chính sách mà còn thông qua việc nêu gương, tôn vinh để các yếu tố tích cực được nhân rộng, lan tỏa, thấm sâu, góp phần xây dựng xã hội nhân hòa để những nét đẹp của văn hóa dân tộc mãi lưu truyền, tỏa sáng”, Phó Thủ tướng nói và bày tỏ tin tưởng rằng “với truyền thống rất đáng tự hào của 70 năm phát triển, trưởng thành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐTB&XH sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. Phong trào thi đua yêu nước ngành LĐTB&XH tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng".
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước đã thống nhất 40 năm nhưng ở không ít nơi bom mìn còn sót lại vẫn hàng giờ, hàng phút đe dọa tính mạng người dân. Hàng triệu người đang chịu ảnh hưởng của thương tật, của chất độc hóa học... Vì vậy, toàn xã hội trong đó nòng cốt là ngành LĐTB&XH cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, chăm sóc người có công đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chính sách liên quan tới những nạn nhân chiến tranh.
Các vấn đề về lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và rất cần những phong trào thi đua gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II cho ngành LĐTB&XH.
Từ những năm trước, ngành LĐTB&XH đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý; nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động…
Nguồn www.chinhphu.vn