Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội
Ngày 17/8, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội đã họp rà soát các công việc còn lại để quyết định chính thức bàn giao công trình Nhà Quốc hội trong tháng 9/2015.
Đến nay, sau khi phục vụ 2 kỳ họp chính của Quốc hội và hàng chục cuộc họp của UBTVQH, các cuộc họp, sự kiện lớn khác của Quốc hội như Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới IPU, Nhà Quốc hội đã đi vào vận hành ổn định. Các hạng mục kiến trúc, cảnh quan trong và ngoài tòa nhà đã cơ bản được bổ sung, hoàn thiện. Một số hạng mục bên ngoài như đường Độc Lập, đường Bắc Sơn,... đã được bàn giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành. Công trình triển khai sau là hạng mục đỗ xe ngầm đến nay đã thi công xong cọc nhồi và tường vây, đồng thời tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp với yêu cầu mới.
Sau khi cùng các thành viên Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá kết quả triển khai từng dự án thành phần, hạng mục chính cũng như các vấn đề liên quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quyết định sẽ chính thức bàn giao công trình cho Văn phòng Quốc hội trong tháng 9/2015.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ nghiệm thu, bàn giao. Đồng thời, tiếp tục rà soát lại các vấn đề về trang thiết bị, có biên bản riêng cho vấn đề vận hành an toàn, hiệu quả các hạng mục điện, điện tử với nhà thầu, nhất là vấn đề liên quan đến an ninh, công tác phòng chống cháy nổ, kiến trúc mỹ quan bên ngoài, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ban quản lý dự án cũng tập trung hoàn thiện các quy trình vận hành, phối hợp công tác đào tạo với đơn vị vận hành hệ thống kỹ thuật của Văn phòng Quốc hội.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý công tác kiểm toán, quyết toán công trình, yêu cầu hoàn thành trước tháng 12 năm nay và cho ý kiến về thi công bãi đỗ xe ngầm, công tác quản lý, sử dụng đường Bắc Sơn,...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN về việc thực hiện tái cơ cấu DNNN
Ngày 17/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Phó Thủ tướng cho rằng doanh nghiệp này cần đề xuất chiến lược để phát triển mạnh mẽ công nghiệp cao su, hơn là chỉ tập trung phát triển trồng loại cây này.
Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục để công bố giá trị doanh nghiệp của 5 công ty cao su (công ty Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh, Bà Rịa, Tân Biên) trong Quý III/2015 và sẽ hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015. Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tính tới hết quý II vừa qua, Tập đoàn đã thu về được 1.188 tỷ đồng, cao hơn giá trị sổ sách 141 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn đang gặp khó khi thoái vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi, đầu tư khu công nghiệp và thủy điện với tổng vốn khoảng 700 tỷ đồng.
Chỉ đạo công tác tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Tập đoàn dứt khoát phải xác định xong giá trị doanh nghiệp trong quý III và hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay. “Trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc thì Tập đoàn phải báo cáo ngay với Ban chỉ đạo để trực tiếp tháo gỡ. Trên thực tế, nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp đã có báo cáo và đều được Ban chỉ đạo, Chính phủ xử lý thành công. Nếu để hết năm mà không hoàn thành nhiệm vụ, không báo cáo vướng mắc trong quá trình thực hiện thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Tập đoàn”, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo nêu rõ.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn tiếp tục thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, nhưng “thoái vốn cũng phải có lộ trình, trật tự. Lĩnh vực nào mà giữ vốn càng lỗ thì bán ngay, nếu không lỗ thì không nhất thiết phải bán ngay mà cần xây dựng lộ trình thoái vốn để phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất”, Phó Thủ tướng nói.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng dành nhiều thời gian, cùng với lãnh đạo các Bộ, ngành và Tập đoàn cao su thảo luận về phương hướng phát triển của Tập đoàn trong dài hạn.
Phó Thủ tướng nhắc nhở Tập đoàn cần sớm đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược phát triển của ngành; đồng thời, Tập đoàn phải đề cao tính cạnh tranh trong sản phẩm, vươn lên về năng suất, hiệu quả, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Văn phòng Chính phủ