Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng phê chuẩn nhân sự 2 tỉnh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký các Quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung và miễn nhiệm nhân sự UBND 2 tỉnh: Đắk Lắk và Kon Tum.

Cụ thể, Thủ tướng quyết định phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với: ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Từ Thái Giang, Giám đốc Sở Tài chính.

Đồng thời, Thủ tướng quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Thanh Nam, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, để nhận nhiệm vụ mới.

Thủ tướng cũng quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với bà Lê Thị Kim Đơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để nhận nhiệm vụ mới.

Điều chỉnh Đề án tái cơ cấu Vinafood 1

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) giai đoạn 2011 - 2015.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển Công ty Bột mỳ Vinafood 1 thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bột mỳ Vinafood 1 và thực hiện cổ phần hóa ngay trong quý IV/2015, Vinafood 1 nắm giữ 65% vốn điều lệ.

Cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinafood 1 đồng thời cùng 2 công ty con là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên: Lương thực Lương Yên và Muối Việt Nam, trong năm 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định tỷ lệ cổ phần Tổng công ty Lương thực miền Bắc nắm giữ tại các công ty cổ phần: Lương thực và Thương mại Phú Thọ, Lương thực và Thương mại Vĩnh Phúc, Lương thực Hưng Yên, Lương thực Ninh Bình, Lương thực Hà Nam, Lương thực Lào Cai.

TCty Quản lý bay Việt Nam được xếp hạng đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ đồng ý vận dụng xếp hạng Tổng công ty đặc biệt đối với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị định 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ thì hạng Tổng công ty đặc biệt được áp dụng đối với công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ-công ty con do Thủ tướng quyết định thành lập đủ các điều kiện: Giữ vai trò trọng yếu trong nền kinh tế; có vốn nhà nước từ 1000 tỷ đồng trở lên; có lợi nhuận từ 100 tỷ đồng trở lên; nộp ngân sách Nhà nước từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 10 đơn vị thành viên trở lên (bao gồm đơn vị hạch toán độc lập và hạch toán phụ thuộc).

Du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn

Phát triển du lịch Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù có thương hiệu, sức cạnh tranh cao. Xây dựng Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa, thể dục thể thao và du lịch lớn của cả nước, làm động lực thúc đẩy Vùng phát triển, kết nối với các Vùng khác của cả nước và quốc tế.

Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch này bao gồm 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Quảng Ninh.

Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Vùng

Về văn hóa gia đình, Quy hoạch sẽ ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Vùng, trước hết là các di sản thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt tiêu biểu. Từng bước tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích khác từ nay đến 2025 và 2030.

Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ cở đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa và vui chơi giải trí của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và nâng cấp các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa - thể thao, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.

Phát triển Vùng thành trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật biểu diễn truyền thống trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương và sức lan tỏa của từng loại hình nghệ thuật như Quan họ, Ca trù, Chèo, Hát Trống quân, Múa rối; hoàn thiện tổ chức các sự kiện Lễ hội Hoa phượng đỏ, Carnaval Hạ Long thành thương hiệu văn hóa - nghệ thuật của Vùng.

Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ. Giảm tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình; ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình.

Phát triển Vùng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước

Về du lịch, phát triển Vùng trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và cạnh tranh được với các nước trong khu vực; trở thành khu vực thu hút và phân phối khách du lịch hàng đầu của cả nước.

Đến năm 2025 đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ hơn 26 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu nhập từ du lịch đạt xấp xỉ 170 nghìn tỷ đồng; tạo được khoảng 350 nghìn lao động trực tiếp; cơ sở lưu trú khoảng 170 nghìn buồng.

Đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Tập trung đầu tư, phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của Vùng như: Du lịch gắn với các giá trị của nền văn minh sông Hồng; du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch biển đảo.

Phát triển mạnh các khu, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch gồm: 7 khu du lịch quốc gia là: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Khu du lịch Ba Vì - Suối Hai (Hà Nội), Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Khu du lịch Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Khu du lịch Hạ Long - Cát Bà (Quảng Ninh - Hải Phòng), Khu du lịch Vân Đồn (Quảng Ninh), Khu du lịch Trà Cổ (Quảng Ninh); 5 điểm du lịch quốc gia: Điểm du lịch Hoàng thành Thăng Long gắn với quần thể các di tích nội thành Hà Nội, Điểm du lịch thành phố Bắc Ninh và phụ cận (Bắc Ninh), Điểm du lịch Chùa Hương (Hà Nội), Điểm du lịch Phố Hiến (Hưng Yên), Điểm du lịch Yên Tử (Quảng Ninh); 2 đô thị du lịch: Hạ Long (Quảng Ninh) và Đồ Sơn (Hải Phòng).

Phân công Tổng Thư ký UBQG về ứng dụng CNTT

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin vừa ký Quyết định phân công ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước, các ngành, lĩnh vực trọng điểm và trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội; cho ý kiến về các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án lớn về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc việc thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng có tính chất liên ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Chỉ khởi công nhà máy nhiệt điện đốt than khi có phương án xử lý tro xỉ

Các nhà máy nhiệt điện đốt than đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chỉ được phép khởi công xây dựng khi có phương án rõ ràng về xử lý tro xỉ, hoặc có hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị có nhu cầu.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về các giải pháp xử lý, sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các lợi ích của việc sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện; phổ biến các mô hình, cách làm hay trong xử lý tro xỉ mà một số nhà máy nhiệt điện, một số địa phương và một số doanh nghiệp đã thực hiện.

Bộ Công Thương chỉ đạo từng nhà máy nhiệt điện than hiện có và các dự án đang xây dựng phối hợp với UBND các tỉnh, các doanh nghiệp,… xây dựng phương án xử lý, sử dụng tro xỉ tại các nhà máy điện để san lấp, làm đường giao thông nông thôn, vật liệu xây dựng,… phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Trong đó tập trung chỉ đạo các dự án nhà máy nhiệt điện đang có yêu cầu cấp thiết về vấn đề này, bao gồm: Vĩnh Tân 2, An Khánh 1, Vũng Áng 1, Sông Hậu 1 và Long Phú 1.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đối với các dự án bảo vệ môi trường; các cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn các doanh nghiệp phát thải, xử lý và các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ về các cơ chế, chính sách được ưu đãi, hỗ trợ khi thực hiện các dự án xử lý, sử dụng tro xỉ tại các Nhà máy nhiệt điện.

Đồng thời chỉ đạo nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về các công nghệ xử lý, sử dụng tro xỉ trong các lĩnh vực, đề xuất công nghệ ưu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn các cơ chế, chính sách được ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng xem xét, xây dựng để ban hành hoặc công bố áp dụng đầy đủ các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau: Vật liệu gia cố nền đất, san lấp, đắp đất, làm đê, kè; làm vật liệu trong xây dựng công nghiệp (công trình cầu cảng, công trình thủy lợi,…), công trình dân dụng (xây trát, chống thấm,...); sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung, bê tông bọt, gạch bê tông khí chưng áp, gạch ốp lát,…).

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nghiên cứu, đánh giá các ảnh hưởng, tác động đến môi trường trong quá trình xử lý, sử dụng tro xỉ; đề xuất các giải pháp cần thực hiện để các hoạt động xử lý, sử dụng tro xỉ đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành.

Đồng thời tổ chức thường xuyên việc kiểm tra, giám sát đối với các nhà máy điện có phát thải tro xỉ để đảm bảo các nhà máy thực hiện đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn EVN, TKV, PVN khẩn trương phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp liên quan xây dựng phương án xử lý, sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện trong Tập đoàn, gửi Bộ Công Thương tổng hợp.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án đường sắt đô thị

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Theo thông báo kết luận, các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt đô thị là các dự án cấp bách nhằm giải quyết cơ bản vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội còn chậm; sự phối hợp công tác giữa các cơ quan còn thiếu chặt chẽ.

Để đạt được mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

UBND thành phố Hà Nội rà soát lại quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị, hệ thống nhà ga đường sắt đô thị bảo đảm sự gắn kết tạo thuận tiện tối đa cho hành khách để kịp thời điều chỉnh nếu cần thiết.

Phó Thủ tướng yêu cầu công tác bảo đảm an toàn đường sắt đô thị cần đặc biệt quan tâm. UBND thành phố Hà Nội với sự hỗ trợ của Bộ Giao thông vận tải tích cực triển khai đào tạo đội ngũ vận hành, bảo dưỡng để bảo đảm an toàn tuyệt đối trong vận hành, khai thác đường sắt đô thị.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thực hiện chặt chẽ công tác kiểm định, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia giao thông đường sắt đô thị. UBND thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ các hình thức thông tin, tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác thực hiện tốt các quy định về an toàn đường sắt đô thị.

Do các dự án đường sắt đô thị được tập trung tại các tuyến đường giao thông huyết mạch của Thủ đô, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các chủ đầu tư, các nhà thầu có các giải pháp thích hợp, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình.

Đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội khẩn trương có văn bản thống nhất về vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng gửi Bộ Giao thông vận tải. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải tiến hành điều chỉnh thiết kế cơ sở và các bước tiếp theo theo đúng quy định.

Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc phân kỳ lại việc đầu tư Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Ngọc Hồi - Yên Viên để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư; trước mắt đầu tư giai đoạn 1, xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát - ga Hà Nội.