Chẳng biết chị dâu tôi cùng chung “tâm bệnh” trên đến mức nào, mà vài tháng trước, chị nhỏ to tâm sự rằng, con chị cũng thế… Một hôm, tôi hỏi cháu:
- An có thương mẹ nhiều không?
- Dạ, nhiều ạ.
- Sao cháu ít trò chuyện với mẹ thế?
- Cháu không quen. Cháu thấy hơi ngượng… vì cháu đã lớn rồi ạ.
Tuổi “lớn” của cháu là mười bốn tuổi, thuộc vào nhóm tuổi học trò như các cháu nhà bạn tôi. Tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, tôi biết nhưng mức độ ngại ngùng của cháu với mẹ thì hơi lạ. Bởi không hiếm hôm, cháu đi học về lặng lẽ làm việc nhà giúp mẹ và theo cháu, đó là cách bày tỏ yêu thương cụ thể nhất. Dĩ nhiên, đó là cách đúng nhưng chưa đủ. Nhiều cháu thân thiết với bạn bè, thầy cô, người lớn tuổi… bên ngoài nhưng ngại ngùng bày tỏ tình cảm với ông bà, cha mẹ, anh em… của mình.
Căn bệnh “ngại bày tỏ” này còn “lây lan” ở những nhóm tuổi khác. Không ít những người bạn thân lâu ngày không gặp, ngại ngùng gọi điện thăm hỏi nhau, chỉ dám ngóng tin bạn từ nhiều người để rồi thầm mừng, lo cho bạn. Đặc biệt là từ khi có mạng xã hội facebook, mọi người thường dễ dàng nói chuyện, tâm tình với những người bạn ảo, đôi lần “quên” quan tâm, lười chuyện trò với những người thân xung quanh mình. Vậy ra, chúng ta cần nghĩ lại về cách yêu thương. Và có lẽ học cách yêu thương, quan tâm, chia sẻ là kỹ năng sống cần thiết nhất cho mọi người hiện tại. Chúng ta sẽ làm gì nếu trong tim đầy ắp tình cảm nhưng lại tự nhốt chặt nó bên trong, khóa cửa lòng, ẩn giấu trong chiếc áo thinh lặng. Đã đến lúc chúng ta cần xé bỏ lớp vỏ ngại ngùng, mạnh dạn yêu thương, chia sẻ những người thân bằng những việc làm nhỏ nhất, đi kèm với lời nói, thái độ chân thành. Tâm hồn con người được sinh ra để chờ đợi và đáp trả niềm yêu mến, như chiếc sáo diều sẵn sàng reo khi ngọn gió mùa hè ngang qua. Và dù ở tuổi nào, chúng ta cũng cần ngẫm lại và học cách yêu thương…
Anh Trang