Chuyện “việc dễ” ở gia đình
Anh bạn tôi, vợ và chồng đều làm việc cơ quan nhà nước nhưng việc dạy dỗ, giáo dục con trẻ thì mỗi người một kiểu. Chị vốn đảm đang nên việc gia đình như quét dọn nhà cửa, giặt quần áo, nấu cơm... giành làm hết. Chị cho rằng: Mình làm từ lúc còn bé con, khó nhọc gì đâu, cái sự học thời nay nó “khó” lắm, nên giúp con cái có thời gian học hành. Thấy chị vất vả, anh cũng tham gia chia sẻ giúp chị như nấu ăn, lau nhà… Sau mỗi lần, anh tìm cách nhắc khéo: Học phải có hành em ạ, để con biết làm việc nhà vừa là rèn tính cách, vừa để nó biết khổ mà thương cha, thương mẹ. Không ngờ vợ anh nhắc khéo: Cứ thử đi học phổ thông như con rồi biết, có thấy nó rảnh rỗi lúc nào đâu, nhiều lúc để đâu quên đó, cứ như bị vi-rút vậy. Chiều vợ, anh đành âm thầm giành làm những việc nặng trong gia đình.
Thế rồi, trong lần anh vợ là bác sĩ ghé thăm vợ chồng. Nhân lúc cô ấy đi chợ, anh bác sĩ hỏi cô cháu gái: Sau này, con định thi trường nào? Cô cháu nhanh nhảu: Con thi vào trường y. Nhìn chung quanh phòng khách, bất chợt ông cậu hỏi: Con có biết quét dọn nhà cửa không? Cô cháu bẽn lẽn không nói, thấy vậy, ông cậu tiếp tục: Con quét lau phòng khách để xem cháu gái cậu có làm bác sĩ được không nào? Cô cháu ngạc nhiên: Tưởng gì chứ việc quét nhà dễ ợt. Nói rồi cô cháu đi lấy chổi quét nhưng chỉ mới đưa chổi vài lần, ông cậu cảm nhận ngay luồng gió bay ngang mặt, cũng may là nhà khá sạch… Thấy không ổn, ông cậu vừa hướng dẫn, vừa cùng cháu lau dọn phòng khách. Làm vừa xong cũng là lúc cô em gái đi chợ về, nhìn hai cậu cháu chị thốt lên: Con gái mình bữa nay giỏi quá ta. Cô con gái nói như thanh minh: Là nhờ cậu đấy. Lúc này, anh lựa lời góp ý: Cháu thi vào trường y, làm bác sĩ cứu người rất cần đức tính tỉ mỉ, ngăn nắp, chu đáo vì sai một li có thể… nên phải rèn tính cách thông qua những công việc tưởng rằng dễ nhất, giản đơn nhất. Nghe vậy, cô cháu như chợt tỉnh: Lần đầu quét dọn nhà đúng nghĩa, con thấy chẳng dễ chút nào, từ nay con sẽ cố gắng làm để vừa giúp mẹ và sau này trở thành bác sĩ tốt giúp ích cho đời. Nghe vậy, mẹ cháu phấn chấn hẳn lên: Đúng là bác sĩ, cậu ghé thăm nhà mới một buổi mà đã phát hiện ra bệnh, kịp thời kê đơn, bốc thuốc. Nghe em gái khen, ông cậu nhắc khéo: Cũng tại em quá yêu con gái nên cháu nó không thích làm việc “dễ” thôi!?
Và “việc khó” ở cơ quan
Cơ quan tôi có nhiều đời sếp làm lãnh đạo, nhưng ai cũng tính cởi mở, thông thoáng. Việc anh chị em đi làm trễ, về sớm đã trở thành thói quen của mọi người. Nếu ai có ý kiến gì khác đều được nghe: Thời buổi hiện đại ở tại nhà riêng cũng giải quyết được công việc, miễn sao hiệu quả, ở cơ quan nhiều tốn thêm tiền điện, nước… Thế nên, nếu sếp đi công tác ngoài tỉnh là công sở vắng như chùa bà đanh. Năm vừa rồi, sếp cũ đến tuổi nghỉ hưu, sếp mới được điều động từ cơ quan khác về. Vốn trẻ tuổi, lanh lợi, hoạt bát, nhiều người trong cơ quan bàn tán: Sếp trẻ tuổi chắc chịu chơi, anh chị em mình có nhờ.
Tiếp nhận vị trí công tác mới, sau khi tìm hiểu nắm tình hình, chưa đầy một tháng, sếp đưa ra quy định về thời gian làm việc ngày 8 tiếng, về trách nhiệm công vụ với những biện pháp, chế tài cụ thể. Mới đầu ai nấy đều cho rằng: Quy định mới sẽ không tồn tại được lâu bởi “làm trễ, về sớm” đã ăn vào máu thịt mỗi người rồi. Anh em ủng hộ tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính thì cho rằng “khó lắm” phải từ từ và có thời gian. Thế rồi thông qua sinh hoạt đảng bộ, cơ quan, đoàn thể, mọi người đều thống nhất với chủ trương mới song chưa thật sự tin tưởng sẽ làm được. Nhưng việc sếp trưởng gương mẫu chấp hành, sếp phó gương mẫu làm theo, rồi cấp ủy, trưởng, phó phòng gương mẫu… Thế là chỉ trong thời gian ngắn, việc chấp hành thời gian làm việc đi vào khuôn mẫu, trách nhiệm với công việc của từng cá nhân, tập thể được nâng lên rõ rệt. Tập thể xuất sắc, cá nhân tiêu biểu hàng tháng có ngay kết quả trên cơ sở hệ thống các tiêu chí đánh giá, việc họp hành bình xét khen thưởng trở lên hết sức đơn giản. Bây giờ hình thành nếp sinh hoạt mới, cán bộ, công chức, nhân viên cơ quan đều thống nhất rằng “khó” như thay đổi một thói quen không tốt còn làm được thì chẳng có gì là khó cả.
Từ hai câu chuyện trên, có thể thấy trong cuộc sống ở bất cứ đâu chẳng có việc gì dễ nhưng cũng chẳng có việc gì là khó. Nếu quyết tâm chính trị cao cộng với giải pháp đúng thì việc khó mấy cũng làm được, ngược lại nếu “đánh trống bỏ dùi”, nói nhiều làm ít và người đứng đầu không gương mẫu thì việc dễ cũng trở nên quá khó.
Thanh Tâm