Chính phủ Canada đang yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại hàng chục sản phẩm của Mỹ, trong đó có thịt, rượu vang và sô cô la. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Gerry Ritz cảnh báo rằng các loại thuế quan trên sẽ được áp đặt vào cuối mùa Hè, nếu Quốc hội Mỹ không giải quyết những quan ngại của Canada và Mexico (Mê-hi-cô). Quốc hội Mỹ hiện đang tái xem xét một đạo luật, yêu cầu rằng các loại thịt được bán tại các cửa hàng tạp hóa của Mỹ, phải được dán nhãn, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ con giống, nơi chăn nuôi đến nơi chế biến gia súc. Và nếu bộ luật này không được xóa bỏ trong vài tuần tới, Canada đe dọa đánh thuế trả đũa 38 loại sản phẩm, có kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 8 tỷ USD, với tổng số thuế trừng phạt có thể lên tới 3 tỷ USD. Bộ trưởng Ritz nói: "Tôi xin nhắc lại rằng việc hoàn toàn xóa bỏ đạo luật yêu cầu dán nhãn đối với các sản phẩm thịt trên là cách duy nhất của Mỹ để tránh bị trả đũa. Tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ nhìn ra thực tế và công nhận rằng họ cần xóa bỏ luật quy định dán nhãn xuất xứ hàng hóa (COOL)". Những người ủng hộ các yêu cầu dán nhãn xuất xứ hàng hóa cho rằng người tiêu dùng có quyền được biết thực phẩm của họ xuất xứ từ đâu và bực tức trước việc các nước khác và WTO chỉ trích đạo luật này.
Nhưng các tập đoàn công nghiệp, cùng Canada và Mexico lại cho rằng đạo luật này là một biện pháp bảo hộ được ngụy trang, làm phức tạp thêm tiến trình cung cấp và làm tăng chi phí xuất khẩu vào Mỹ. Họ cũng cho rằng đạo luật này là phi pháp theo luật pháp quốc tế hiện nay và đã giành chiến thắng. WTO đã đứng về phía Canada và Mexico trong tranh chấp này. Trong cuộc đua nhằm tránh các khoản thuế này, Quốc hội Mỹ đang bắt đầu nghiên cứu một dự luật, sẽ hủy bỏ quy định dán nhãn xuất xứ thịt. Dự luật này dường như có thể dễ dàng được thông qua tại Hạ viện, nhưng có thể gặp khó khăn hơn mới có thể được thông qua tại Thượng viện. Bộ trưởng Ritz cho rằng Mỹ không có nhiều sự lựa chọn, cũng như không có nhiều thời gian. Ông Ritz cảnh báo Thượng viện Mỹ không nên giảm nhẹ đạo luật này bằng yêu cầu dán nhãn khác nào đó, sẽ khiến Canada và Mexico không hài lòng bởi vì hai nước này muốn hoàn toàn xóa bỏ đạo luật này.
Ông Ritz cũng gạt bỏ câu hỏi rằng liệu WTO có thể nhất trí rằng biện pháp trả đũa nghiêm khắc như vậy có xứng đáng hay không. Mặc dù Canada đã chỉ trích rằng các quy định dán nhãn xuất xứ làm thiệt hại ngành xuất khẩu thịt của nước này trong vài năm qua, nhưng kim ngạch xuất khẩu thịt của Canada sang Mỹ đã tăng mạnh trong năm 2014, đạt 4,99 tỷ USD, so với mức 3,86 tỷ USD của năm 2013. Bộ Nông nghiệp Canada ước tính, COOL khiến ngành công nghiệp gia súc của nước này thiệt hại khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Cùng quan điểm với Canada, giới chức Mexico cảnh báo sẽ tìm các biện pháp trả đũa thương mại Mỹ để bù lại khoản thiệt hại ước tính lên tới hàng trăm triệu USD do Mỹ áp dụng COOL. Tháng 10/2014, WTO đã ra phán quyết lần thứ ba về việc Mỹ đã phớt lờ kiến nghị của hai nước láng giềng Canada và Mexico, cũng như hai phán quyết trước đó của tổ chức này khi không tiến hành điều chỉnh COOL phù hợp với các quy định thương mại quốc tế. Phán quyết của WTO có thể mở đường cho Canada và Mexico tiến hành các biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào Mỹ, quốc gia đã áp dụng COOL từ năm 2008 và tiến hành sửa đổi năm 2013.
Theo TTXVN