Thế giới trong tuần

1. Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) tiếp tục có những thông tin mới đáng lo ngại, khi tại Hàn Quốc có thêm 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc lên 35 người, trong đó 4 ca đã tử vong tính đến ngày 5-6. Trước những lo ngại virus MERS-CoV có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, hơn 900 trường từ mầm non đến đại học tại Hàn Quốc đã phải đóng cửa.

Kể từ 20-5 thời điểm phát hiện ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên tại Hàn Quốc, đến nay hơn 1.660 người được cho là đã trực tiếp hoặc gián tiếp phơi nhiễm virus này đã bị cách ly. Điều tra của giới chức y tế Hàn Quốc cho thấy, ca nhiễm MERS-CoV đầu tiên ở nước này là một người đàn ông 68 tuổi, đã du lịch tới Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) - hai quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm MERS-CoV nhất hiện nay.

Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, dịch MERS có thể sẽ tiếp tục bùng phát mạnh hơn tại Hàn Quốc, khi nhiều bệnh viện chưa có kinh nghiệm phát hiện dịch bệnh và nhiều bệnh nhân nghi nhiễm bệnh có khả năng chưa được cách ly. Cho đến nay, trên thế giới có 26 quốc gia đã từng ghi nhận dịch MERS, với gần 1.200 trường hợp mắc bệnh và có ít nhất 443 ca tử vong.

2. Quân đội Ukraine và lực lượng ly khai miền Đông lại lao vào một cuộc giao tranh ác liệt chưa từng có kể từ Thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ra thông báo tố cáo lực lượng ly khai miền Đông tiến hành “cuộc tấn công quy mô lớn” vào khu vực quân đội Kiev. Phản bác lại tuyên bố của phía Ukraine, lực lượng đối lập miền Đông tuyên bố quân đội Kiev gây chiến bằng các vụ pháo kích liên tục vào khu vực ranh giới của lực lượng này. Đây được xem là bước leo thang cao nhất trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine trong nhiều tháng trở lại đây và đó cũng là diễn biến đầy thách thức đối với thỏa thuận ngừng bắn mong manh đang được áp dụng ở miền Đông Ukraine từ hồi tháng 2.

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo, lực lượng quân đội nước này đang chuẩn bị khả năng cho những căng thẳng gia tăng dọc đường biên giới chung với Nga. Trong khi đó, Nga tiếp tục cáo buộc Ukraine đang khơi mào cho cuộc chiến mới, với mục đích gây sức ép lên Liên minh châu Âu trừng phạt Nga.

3. Không “nóng” như chiến sự diễn ra ở Ukraine, nhưng vụ scandal tham nhũng ở FIFA-cơ quan quyền lực nhất trong làng bóng đá thế giới cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều giới chức. Chỉ 5 ngày sau chiến thắng thuyết phục tại cuộc bầu cử chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatter đã bất ngờ từ chức. Tuy nhiên, “sói già” người Thụy Sĩ vẫn sẽ giữ chức vụ người đứng đầu FIFA trong 6 tháng tới, trước khi sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường để tìm ra người thay thế.

Sau những cáo buộc tham nhũng dẫn tới cuộc đảo chính (cho dù bất thành), Sepp Blatter đã biết bản thân khó có tiếp tục đứng đầu FIFA thêm nữa, và việc chiến thắng cuộc bỏ phiếu cách đây gần một tuần thực chất chỉ là biện pháp làm giảm đi những cái đầu nóng khi đó.

Báo chí xứ sở sương mù đang tin rằng, sau sự ra đi của Blatter, Anh có thể thay thế Nga để trở thành đất nước đăng cai World Cup 2018. Nhưng sẽ không đời nào Nga và Tổng thống V. Putin chịu nhường suất đăng cai cho Anh.

Mâu thuẫn lớn giữa Anh, đồng minh lớn của Mỹ trên nhiều mặt trận với Nga là điều chẳng ai muốn nhìn thấy, vì hệ quả của chúng có thể vượt ra ngoài bóng đá. Nếu đưa chiếc ghế đấy cho một người Anh, mà cụ thể ở đây là David Gill chẳng hạn theo lời gợi ý của cựu danh thủ Peter Schmeichel, mâu thuẫn giữa Anh và Nga sẽ được giải quyết theo cách khó ai lường tới nhất