* Sự kiện
- Ngày 6-6-1941: Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào”. Bức thư kêu gọi tổ chức những Hội cứu quốc chống Pháp, chống Nhật. Để phát huy truyền thống Diên Hồng, Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi phụ lão: “Tấm gương oanh liệt của các bậc phụ lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó” và “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc”. Tiếp đó, tháng 6-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết lời Hiệu triệu đoàn kết các bậc phụ lão, đã xác định: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước ta hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề…”. Lời hiệu triệu của Bác đã đem đến cho người cao tuổi Việt Nam một tình cảm bao la, một nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ. Lớp người cao tuổi đã phát huy truyền thống vẻ vang, hăng hái tham gia kháng chiến kiến quốc, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, ngày 26-3-2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 772/QĐ-TTg lấy ngày 6-6 hằng năm là Ngày truyền thống Người Cao tuổi Việt Nam.
- Ngày 6-6-1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh đặt 3 loại huân chương: Sao Vàng, Hồ Chí Minh và Độc lập. Chủ tịch nước ra sắc lệnh tặng (hoặc truy tặng) Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc những người nước ngoài có công với Việt Nam. Huân chương Sao Vàng chỉ có 1 hạng “để tặng những người có công đức vĩ đại với dân tộc”. Huân chương Hồ Chí Minh ban đầu có 3 hạng (hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba) nay chỉ có một hạng “để tặng những người có tài, có đức, có công với dân tộc”. Huân chương Độc lập có 3 hạng: hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba “để tặng những người có công đặc biệt trong việc cứu quốc hoặc kiến quốc”.
- Ngày 6-6-1955: Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Đạo đức cách mạng”, ký bút danh C.B., đăng trên báo Nhân dân, số 460. Trong bài, Bác ca ngợi chiến sỹ cách mạng nước ta đã nêu cao đạo đức cách mạng. Đồng thời, Bác chỉ ra những thoái hóa đạo đức của một số cán bộ sau ngày hòa bình lập lại, những ảnh hưởng xấu của xã hội cũ với các cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng. Để ngăn ngừa cái xấu, Đảng cần phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cách mạng, tăng cường tinh thần cảnh giác, mở rộng tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên.
- Ngày 6-6-1976: Hội nghị thống nhất Công đoàn toàn quốc.Hội nghị đã nhất trí quyết định lấy tên công đoàn thống nhất toàn quốc là Tổng Công đoàn Việt Nam.Thống nhất tổ chức công đoàn 2 miền là sự thể hiện và tiếp tục truyền thống đoàn kết, nhất trí của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của phong trào công nhân và lao động cả nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện để công đoàn phát huy mạnh mẽ vai trò là tổ chức rộng lớn nối liền Đảng với giai cấp công nhân, là chỗ dựa vững chắc của nhà nước thống nhất, là trường học quản lý kinh tế, trường học chủ nghĩa xã hội của công nhân viên chức…
- Ngày 6-6-2005: Ra mắt Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel. Tiền thân của Viettel là Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin SIGELCO, được thành lập ngày 1-6-1989; năm 2010, đổi tên thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Nhờ chiến lược kinh doanh đúng, dám đầu tư mạnh mẽ để trang bị các thiết bị kỹ thuật tiên tiến vào phát triển nền tảng hạ tầng, kinh doanh dịch vụ và đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, Viettel đã có bước phát triển lớn trở thành một tập đoàn viễn thông mạnh. Đến nay Viettel là một trong 20 mạng di động có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới; là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phủ sóng cả 3 nước Đông Dương và đang tiếp tục phát triển ra các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh.
* Nhân vật
- Ngày 6-6-1977: Ngày mất của nhà văn Nguyễn Công Hoan.Nguyễn Công Hoan sinh ngày 6-3-1903, quê ở xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán, trong phê phán lại có tính trữ tình rất sâu đậm. Trong đó, tác phẩm Kép Tư Bền của ông đã gây nên một chấn động lớn trên văn đàn, 18 tờ báo suốt từ Nam đến Bắc đăng bài khen ngợi. Đây cũng chính là đề tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “nghệ thuật vị nhân sinh”. Qua hơn 50 năm cầm bút, ông để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ gồm hơn 200 truyện ngắn, hơn 50 truyện dài cùng nhiều bút ký, hồi ký, tiểu luận về ngôn ngữ, văn học, nhiều tác phẩm của ông đã được dịch ở Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Bungari, Ấn Độ, Nhật Bản, Anbanni… Ông vinh dự được là một trong 14 nhà văn xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.
Theo TTXVN