Quan hệ Nga - EU lại căng thẳng

Cuộc chiến trừng phạt lẫn nhau giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine lại gia tăng căng thẳng khi Moskva đưa ra một “danh sách đen" các chính trị gia EU bị cấm nhập cảnh vào xứ sở Bạch dương.

Danh sách gồm 89 công dân, nghị sĩ, quan chức quốc phòng và an ninh các nước EU, được Nga công bố ngày 28-5-2015 nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga cùng lệnh cấm đi lại đối với giới chức Nga do nước này sáp nhập bán đảo Crimea (Crưm) và bị cáo buộc can dự vào miền Đông Ukraine.

Trong danh sách này có Tổng Thư ký Hội đồng EU Uwe Corsepius, cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Malcolm Rifkind, cựu nghị sĩ Bỉ Guy Verhofstadt, người đang đứng đầu nhóm nghị sĩ Tự do trong Nghị viện châu Âu, nghị sĩ Phần Lan Heidi Hautala thuộc Đảng Xanh, đồng thời là thành viên Nghị viện châu Âu, Bộ trưởng Tư pháp Ba Lan Robert Kupiecki và người đứng đầu cơ quan thuế của Thụy Điển Eva Lidstrom Adler... Ngoài ra, còn nhiều các quan chức đến từ Pháp, Latvia, Lithuania, Estonia, Đan Mạch, Czech, Romania, Bulgaria và Tây Ban Nha. Quốc gia có nhiều chính trị gia bị Nga cấm nhất là Ba Lan (18 người), tiếp theo là Anh (9 người), Thụy Điển (8 người), Đức (7 người), Phần Lan, Bỉ, Czech, Đan Mạch (4 người), Hà Lan (2 người) …Ngay sau khi “danh sách đen” các chính trị gia EU bị cấm vào Nga được công bố, một "cơn thịnh nộ" đã bao trùm EU.

Ngày 30-5, EU đã lên tiếng phản đối và coi động thái này của Nga là “hoàn toàn độc đoán và vô lý”. Trong một tuyên bố, cơ quan đối ngoại của EU nêu rõ, ngoại trừ việc công bố danh tính các cá nhân bị liệt vào danh sách đen này Moskva không đưa ra “bất kỳ thông tin nào khác về cơ sở pháp lý, tiêu chuẩn và quy trình đưa ra quyết định này”. Cùng ngày, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz (Mác-tin Sun-dơ) kêu gọi Nga đảm bảo tính minh bạch của quyết định này, ông Schulz cũng cho biết sẽ trao đổi với Đại sứ Nga tại EU về vấn đề này và nếu không nhận được câu trả lời "thỏa đáng", ông sẽ xem xét việc ra những quyết định đáp trả.

Anh và Đức, cũng chỉ trích danh sách trên của Nga và bày tỏ hy vọng Moskva sẽ cung cấp thêm những lý giải xung quanh động thái này. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (Phranh Van-tơ Xtai-mai-ơ) cho rằng, Điện Kremlin không nên tung ra động thái này vào thời điểm các bên đang nỗ lực giảm xung đột tại Ukraine. Bình luận về động thái trên của Nga, tân Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini (Ti-mô Xôi-ni) đánh giá "không phải là một bất ngờ lớn" và "đây là phản ứng đã được dự kiến trước" đối với lệnh cấm tương tự mà trước đó EU đã áp dụng đối với công dân Nga.

Đáp lại phản ứng từ EU, Nga đã lên tiếng bảo vệ cho quyết định của mình. Ngày 1-6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) khẳng định tuyên bố của EU là hoàn toàn "vô lý". Ông nêu rõ Moskva đã kiềm chế quá lâu và bản danh sách trên là nhằm đáp trả bước đi đơn phương không thân thiện của EU chứ không phải là hành động khiêu khích.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, trước đó, phương Tây đã áp đặt trừng phạt đối với các quan chức Nga khi họ thông qua các quyết định về các vấn đề cấp thiết của nước Nga, trong đó có vấn đề sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea theo ý nguyện của người dân vùng lãnh thổ này, do đó lệnh trừng phạt của EU và Mỹ là vô lý.

Quan chức ngoại giao hàng đầu của Nga đồng thời nhấn mạnh các chính khách EU có tên trong danh sách cấm nhập cảnh vào Nga là những người đã "ủng hộ mạnh mẽ cuộc đảo chính" tại Ukraine hồi năm 2014, lật đổ chính quyền hợp pháp của Tổng thống khi đó là ông Viktor Yanukovych (Vích-to Y-a-nu-cô-vích).Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov cũng khẳng định không có chuyện bản danh sách được lập một cách ngẫu nhiên. Sở dĩ Nga công bố chính thức danh sách cấm nhập cảnh tới các cơ quan ngoại giao EU để tránh trường hợp xảy ra như với nghị sĩ của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo CDU của Đức, cũng là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Đức - Ukraine Karl-Georg Wellmann bị Nga "mời về nước" ngay khi vừa đặt chân xuống một sân bay tại thủ đô Moskva.

Lực lượng an ninh tại đây thông báo ông đã bị cấm nhập cảnh vào Nga cho tới năm 2019 và ông này buộc phải đáp chuyến bay về Đức vào sáng hôm sau, cho dù Berlin cho rằng lệnh cấm với ông Wellmann là khó hiểu. Song, theo các nguồn tin từ Moskva, chính trị gia này là một báo cáo viên về Nga trong nhóm nghị sĩ liên đảng bảo thủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức, từng tham gia nhóm quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) trong cuộc bầu cử ở Ukraine tháng 5-2014. Ông Wellmann từng có nhiều phát biểu lên án Nga, liên quan tới cuộc xung đột Ukraine trong thời gian gần đây.

Nhiều nhà phân tích lo ngại, hành động đáp trả trên trường ngoại giao của Nga sẽ làm gia tăng căng thẳng với EU, vốn đang là nguyên nhân gây ra những tổn thất nặng nề về mặt kinh tế cho cả hai phía. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, EU đã thiệt hại khoảng 21 tỷ Euro trong "cuộc chiến" thương mại với Nga. Còn theo các chuyên gia kinh tế Nhật Bản, EU thiệt hại khoảng 30 tỷ Euro. Một vài chuyên gia EU thì đề cập con số thiệt hại là 40 tỷ Euro. Năm 2014, nông dân châu Âu cũng đã chịu tổn thất 12 tỷ Euro do không xuất khẩu được sản phẩm lương thực thực phẩm vào thị trường Nga.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây trong hơn một năm qua cũng đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Bên cạnh giá dầu giảm và đồng Rouble suy yếu, các lệnh trừng phạt đã làm Nga thiệt hại 160 tỷ USD.Trên thực tế, gần đây, đã có một số dấu hiệu khiến dư luận hy vọng hai bên sẽ "hạ nhiệt" căng thẳng.

Một số quốc gia thành viên của EU đã tỏ ra mất kiên nhẫn với các lệnh trừng phạt đang đe dọa tiến trình phục hồi mong manh của nền kinh tế khu vực. Đó là còn chưa kể đến nhiều vấn đề nóng bỏng khác trên thế giới không thể thiếu vai trò của Nga như vấn đề hạt nhân Iran, cuộc chiến chưa hồi kết tại Afghanistan, Syria hay cuộc chiến chống khủng bố, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, hành động đáp trả từ phía Nga cùng phản ứng gay gắt từ các thành viên EU đang làm dấy lên lo ngại không biết cuộc "so găng" EU - Nga đến bao giờ mới kết thúc.

Theo TTXVN