Hội thảo khoa học: Đập tan "Lá chắn thép" Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử:

Bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đập tan “Lá chắn thép” Phan Rang

(NTO) Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ninh Thuận là chiến trường vô cùng ác liệt, thiếu thốn mọi bề, lại xa sự chỉ đạo, chi viện của Quân khu và Trung ương. Thế nhưng, bằng tinh thần tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đoàn kết chiến đấu và chiến thắng quân thù.

Quân và dân Ninh Thuận đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, nổi bật trong đó là sự kiện ngày 16-4-1975, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Để làm nên thắng lợi đó là nhờ Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, phát huy và hội tụ được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

 

Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào Sân bay Thành Sơn.
Ảnh: Thọ Đôn

Tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của đồng bào miền núi đó là cuộc nổi dậy Đồng khởi ở Bác Ái vào năm 1960, giải phóng địa bàn và củng cố, mở rộng căn cứ kháng chiến. Cuộc nổi dậy ở Bác Ái thắng lợi đã nhanh chóng thổi bùng ngọn lửa đấu tranh lan rộng không chỉ trong tỉnh mà cả vùng cực Nam Trung Bộ, tạo nên làn sóng chống địch dồn dân lập ấp của đồng bào. Thắng lợi này cũng thể hiện ý chí vượt qua hy sinh, gian khổ, cũng như sức mạnh đoàn kết toàn dân dưới ánh sáng đường lối cách mạng miền Nam của Đảng ta.

Sau thắng lợi ở Bác Ái, sức mạnh đoàn kết của nhân dân Ninh Thuận còn được thể hiện ở việc đánh thắng các chiến lược chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ. Với truyền thống đoàn kết, gắn bó từ lâu đời, lại được Đảng tuyên truyền, giác ngộ, các tầng lớp nhân dân tỉnh Ninh Thuận càng gắn kết thành một khối thống nhất, đặt niềm tin vững chắc vào Đảng, vào con đường đấu tranh cách mạng nhất định thắng lợi. Nhờ vậy, cùng với đấu tranh chính trị và kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phong trào cách mạng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn. Sức mạnh đó đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Ninh Thuận đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong những ngày tháng 4-1975, quân dân Ninh Thuận khắp nơi trong tỉnh đều đồng loạt đứng lên liên tục tiến công địch. Mở đầu là giải phóng các thôn, xã dọc hai bên đường 11 từ K’rông Pha xuống Đèo Cậu, nối liền vùng căn cứ hai huyện Bác Ái và Anh Dũng. Ở đồng bằng, được lực lượng vũ trang hỗ trợ, quần chúng nổi dậy phá kìm, giành quyền làm chủ đại bộ phận nông thôn ở các huyện An Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc. Nhiều người dân tình nguyện cầm súng tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng; nhân dân và lực lượng dân quân du kích tham gia mở đường giao thông, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí tiếp tế cho bộ đội. Ở các địa phương, các mẹ, các chị tích cực tham gia nấu ăn, tiếp tế cho bộ đội yên tâm đánh địch.

Từ ngày 14 đến 16-4-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Ninh Thuận phối hợp cùng lực lượng chủ lực nhanh chóng đập tan chính quyền tay sai, giành quyền làm chủ. “Lá chắn thép” của địch cố công xây dựng để bảo vệ Sài Gòn từ xa bị phá vỡ. Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên nóc Dinh Hành chính tỉnh, Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Phấn khởi với thắng lợi vừa giành được, nhân dân trong tỉnh đoàn kết cùng nhau thiết lập chính quyền cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân. Đồng thời, huy động sức người, sức của phục vụ quân chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn.

40 năm đã đi qua, nhưng niềm tự hào về những tháng năm quân, dân các dân tộc ở Ninh Thuận đoàn kết một lòng, dốc sức đánh giặc vì độc lập, tự do, giải phóng quê hương. Từ thắng lợi hào hùng đó, có thể rút ra một số bài học nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng phải làm tốt công tác lãnh đạo, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của các cấp ủy Đảng với tư cách là hạt nhân, là cốt lõi của khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quan điểm và nội dung cụ thể của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong mối quan hệ Đảng vừa là thành viên, vừa là tổ chức lãnh đạo Mặt trận, Đảng lãnh đạo xã hội và đất nước, song Đảng phải chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả lãnh đạo đó của mình trước dân tộc, nhân dân. Các tổ chức Đảng phải thể hiện tốt nhất sự lãnh đạo của mình, song mọi cấp ủy, đảng viên phải chịu sự giám sát của nhân dân, mối quan hệ giữa Đảng với dân phải như “cá với nước” nhằm phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, không sợ hy sinh, gian khổ và tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân để tạo nên sức mạnh vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, kết hợp sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết nói chung và với tư tưởng tự do, bác ái, bình đẳng của các tổ chức tôn giáo; tinh thần cố kết cộng đồng vươn lên chiến thắng đói nghèo, lạc hậu của đồng bào các dân tộc ít người, của ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, của các giai cấp công nhân, nông dân, của tầng lớp trí thức, của giới tư sản dân tộc, những người tiểu thương buôn bán nhỏ.

Trong mỗi giai cấp, tầng lớp, phải xây dựng cho được những quần chúng cốt cán, những cán bộ, đảng viên trung kiên, gắn bó mật thiết với các giai cấp, tầng lớp trong xã hội.

Những bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong những ngày tháng 4-1975 lịch sử là kết quả của một quá trình mà Đảng bộ và các cấp ủy đảng ở Ninh Thuận đã dày công gây dựng, nuôi dưỡng trong quá trình đấu tranh cách mạng, nó được xây dựng từ một vài cốt cán trung kiên rồi lan tỏa đến nhiều người, mọi người. Là quá trình xây dựng, phát triển phong trào từ một làng xã, một vườn quê, một dãy phố rồi lan tỏa đến cả vùng, đến khắp mọi miền.

Phải chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong từng cộng đồng, trong mỗi giai cấp và tầng lớp xã hội. Phải tạo sự đồng thuận cao cả trong nhận thức và hành động để đường lối, chính sách của Đảng khi được ban hành phải đáp ứng được quyền lợi của đại đa số nhân dân, giải quyết được quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân và đường lối, chính sách đó phải được chính nhân dân là người triển khai thực hiện với sự tự giác cao, có nhiều sáng kiến, sáng tạo và đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, giáo dục tinh thần yêu nước, trung thành với cách mạng, với Đảng nhằm phát huy cao độ tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần phải coi trọng công tác vận động, giáo dục và rèn luyện các tầng lớp nhân dân, cũng như tổ chức các phong trào hành động cách mạng. Giáo dục tinh thần đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, đây là mối quan hệ máu thịt thống nhất giữa ý chí và hành động. Phải đặc biệt coi trọng và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Giáo dục tinh thần hy sinh vì dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Trong kháng chiến, tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch nhưng với tinh thần hy sinh vì dân, quyết tâm bảo vệ dân, giải phóng dân và bảo vệ an toàn cho dân đã tạo nên một sức mạnh phi thường. Bài học phải tạo ra động lực của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, của quốc gia dân tộc với từng vùng, miền ở địa phương, giữa gia đình với xã hội, giữa cá nhân với tập thể. Bài học về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đó có cán bộ của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, hiểu dân, gắn bó với dân, “cùng tắm vào dòng sông phong trào cách mạng” để qua đó cống hiến và trưởng thành.

Thứ tư, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất từ Đảng bộ đến cơ sở, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ Ninh Thuận nắm vững và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng để vận dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh nhà.

Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, các cấp ủy luôn chăm lo xây dựng đoàn kết, thống nhất trong Đảng, xem đây là nhân tố quan trọng cho sức mạnh của Đảng bộ, điều kiện quyết định thắng lợi của cách mạng. Chính sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ tạo thành chất keo xây dựng đoàn kết toàn dân, toàn quân, gắn kết Đảng với nhân dân. Từ đó, toàn Đảng, toàn dân cùng một ý chí, cùng một quyết tâm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Thứ năm, coi trọng phương pháp lãnh đạo quần chúng, tổ chức quần chúng và phát động quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng.

Đó là phương pháp kết hợp sức mạnh của các lực lượng cách mạng cả về đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị kết hợp với vận động quần chúng. Đó còn là phương pháp vận động thuyết phục kết hợp giữa phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết của ta với việc phân tán, chia rẽ, phân hóa lực lượng phản cách mạng. Đó là nghệ thuật biết chớp lấy thời cơ cách mạng, lựa chọn địa bàn để xây dựng lực lượng, là việc xây dựng, tích lũy và nuôi dưỡng thực lực cách mạng để tạo nên sức mạnh tổng hợp, chờ đợi thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Trong thời kỳ mới, sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đạt được những thắng lợi to lớn, tiềm lực và vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng lên. Bên cạnh những thuận lợi và cơ hội to lớn, đất nước ta vẫn còn đứng trước những thách thức và khó khăn không nhỏ đòi hỏi phải vượt qua. Do vậy, vai trò, vị trí và nhiệm vụ của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng phải mang những nội dung và hình thức mới, trong đó địa vị pháp lý cũng như những yêu cầu của việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được xác định rõ hơn và nâng tầm thời đại.

Những thành quả đạt được và những bài học kinh nghiệm nêu trên luôn có giá trị và là tài sản vô cùng quý báu để các thế hệ nhân dân Ninh Thuận học tập, rèn luyện và phấn đấu, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu đẹp, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.