Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trò chuyện với đại diện Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị
năm 1972. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ xúc động được gặp mặt những người lính Thành cổ Quảng Trị, địa danh ghi dấu cuộc chiến đấu oanh liệt của những người con ưu tú đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh vô bờ bến cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, cho ngày toàn thắng.
Trong cuộc quyết chiến kéo dài 81 ngày đêm đó, 16.000 bộ đội đã hy sinh, hơn 8.000 người không tìm thấy xác.
“Thời điểm đó, tôi đang chiến đấu ở Nam Bộ. Lúc đó người lính ở mọi mặt trận đều chờ nghe diễn biến ở Mặt trận Quảng Trị, ở Thành cổ. Đó là một cuộc quyết chiến chiến lược, một cuộc đọ sức lịch sử mà chiến thắng Quảng Trị đã cổ vũ những người lính trên tất cả các mặt trận” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá rất cao những người lính Thành cổ năm xưa đã tập hợp trong một mái nhà tự nguyện - Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972- để tri ân đồng chí, đồng đội, cả những người còn sống và những người đã hy sinh.
“Đó là một phẩm chất quý báu của người lính Cụ Hồ, là tình nghĩa đồng đội trước sau, là truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn trân trọng ghi nhớ và tri ân sự dũng cảm, hy sinh của những chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị nói riêng và tất cả các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, cựu chiến binh, những người đã không tiếc máu xương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Thủ tướng tặng quà cho đại diện Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Chia sẻ về tình hình của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hơn ai hết, đất nước, dân tộc Việt Nam luôn hiểu về sự tàn bạo, mất mát, đau thương của chiến tranh, đồng thời luôn mong muốn, khát khao cháy bỏng về một nền hòa bình vững chắc cho Tổ quốc.
Do vậy, cùng nhau chung sức, chung lòng phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, trong đó có những cựu chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị.
Thủ tướng cho rằng những trải nghiệm của những người lính trong chiến tranh chính là điểm tựa, là tấm gương sáng cho các thế hệ sau hiểu được cái giá của chiến tranh và hòa bình, để tiếp nối truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với những đề nghị cũng như những hoạt động của Hội vừa qua và trong thời gian tới.
Thủ tướng mong muốn Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị tiếp tục phát huy truyền thống và những kết quả đạt được; tích cực, chủ động trong phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương trong công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sỹ.
Các hội viên trong Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị tăng cường đoàn kết, chia sẻ, chăm lo, giúp đỡ gia đình các đồng đội, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương; gắn bó chặt chẽ với Hội Cựu chiến binh trong quá trình hoạt động cũng như tích cực thực hiện công tác giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của dân tộc.
Thắng lợi của chiến dịch Quảng Trị năm 1972 đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Để lấy lại tinh thần và gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72” và mục tiêu số một là chiếm lại Thành cổ.
Trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), Mỹ đã ném xuống đây 328 ngàn tấn bom, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Nguồn www.chinhphu.vn