Đập tan “lá chắn thép" Phan Rang: Suy nghĩ về ý nghĩa và bài học lịch sử

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sự kiện tiến công và giải phóng Ninh Thuận, đập tan “Lá chắn thép Phan Rang” của quân và dân ta có ý nghĩa rất lớn, để lại nhiều kinh nghiệm, nhiều vấn đề cần suy ngẫm.

Sau thất thủ Đà Nẵng, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn buộc phải bố trí lại lực lượng, hình thành 5 khu vực phòng thủ. Ở phía Bắc, lấy hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận-hai phòng tuyến cuối của Quân khu 2 đặt dưới quyền của Quân đoàn 3. Phan Rang là một địa bàn có giá trị nhiều mặt về quân sự và chiến lược. Đó là nơi án ngữ từ xa con đường tiến vào Sài Gòn từ phía Đông-Đông Bắc. Nếu theo trục đường Quốc lộ 1, để đến Sài Gòn, dứt khoát phải qua Phan Rang. Phía Bắc tỉnh, địa hình hiểm trở, đường Quốc lộ 1 gần như độc đạo. Từ phía Đà Lạt xuống, đường sá còn hiểm trở hơn, khó hành quân cơ giới với tốc độ cao. Trong con mắt của chính quyền Sài Gòn lúc đó, cùng với yếu tố địa hình, yếu tố cự ly so với Sài Gòn, tình hình dân cư ở đây, họ cho rằng có thể kiểm soát được.

Chính vì thế, sau Đà Nẵng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng phải “tử thủ” Phan Rang. Cùng với Xuân Lộc-một địa bàn chiến lược sát nách Sài Gòn, nơi được mệnh danh là “cánh cửa thép”, Phan Rang được coi là “lá chắn thép”. Hai phòng tuyến này hỗ trợ nhau, cùng với việc tăng cường phòng thủ phía Tây ở Tân An, Mỹ Tho, chính quyền Sài Gòn hy vọng có thể bảo vệ được một nửa phía Nam miền Nam đến mùa mưa, làm điều kiện để có giải pháp chính trị có lợi cho chúng. Về phía ta, có vượt qua Phan Rang và Xuân Lộc mới có khả năng tiến nhanh về Sài Gòn.

 
Mit-tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm Quốc khánh 2-9 và chào mừng năm đầu tiên giải phóng Ninh Thuận,
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975). Ảnh: Lê Văn Đức

Như vậy, chiến công đập tan “lá chắn thép Phan Rang”, giải phóng Ninh Thuận, cùng với chiến thắng Xuân Lộc, đã khẳng định sức mạnh của ý chí quyết chiến, quyết thắng, thần tốc, táo bạo, cổ vũ niềm tin giải phóng hoàn toàn miền Nam của quân và dân ta, tiếp tục làm tan rã và đẩy nhanh sự suy sụp của quân đội Sài Gòn.

Giải phóng Phan Rang, giải phóng hoàn toàn Ninh Thuận là sức mạnh của cả quân và dân ta, là sức mạnh của đòn tiến công thần tốc, táo bạo về quân sự, đồng thời còn là sức mạnh của Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận trong việc chủ động nổi dậy, giải phóng và làm chủ quê hương.

Cùng với toàn dân miền Nam, nhân dân Ninh Thuận dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các tổ chức đảng, đã chủ động trong xây dựng địa bàn; chủ động nổi dậy với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”; chủ động xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, phối hợp chặt chẽ với Cánh quân Duyên hải giải phóng toàn tỉnh một cách nhanh, gọn. Sau đó, đã nhanh chóng ổn định trật tự, trị an, thiết lập chính quyền cách mạng, giải giáp lực lượng tàn quân của chính quyền Sài Gòn, hỗ trợ cho lực lượng chủ lực củng cố lực lượng, tăng cường sức cơ động.

Trong lĩnh vực quân sự, khi thực hiện đòn đánh “càn lướt” sẽ phát huy được uy lực và thế tiến công của sức mạnh quân sự, nhưng cũng dễ dẫn đến tình huống là sau khi bị tan rã tạm thời, lực lượng đối phương rất có thể sẽ tập hợp trở lại, tạo nên một lực lượng thậm chí rất mạnh phía sau. Nếu xảy ra tình huống đó, buộc lực lượng tấn công phải giảm bớt sức mạnh và tốc độ tiến công, chia lực lượng để đối phó với lực lượng đối phương mới tập hợp lại. Bài học này cũng đã từng xảy ra đối với các đội quân xâm lược nước ta trong thời phong kiến; từng xảy ra với quân Pháp khi chủ trương đánh nhanh, giải quyết nhanh ở Nam Bộ, ở Bắc Bộ (Đối với chúng ta, sau này cũng gặp phải sau tiến công quân sự giúp giải phóng Campuchia).

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sở dĩ lực lượng chủ lực có thể giữ vững được sức mạnh chiến đấu, giữ vững được thế và tốc độ tiến công, vì sau đòn quân sự, việc làm chủ địa bàn đã được giải quyết với sức mạnh của chính nhân dân mới giải phóng. Đây cũng chính là bài học thực tiễn của chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về quân sự, chiến thắng Phan Rang đập tan “lá chắn thép” của Quân đội chính quyền Sài Gòn là minh chứng của bài học phải luôn nắm chắc ý đồ chiến lược, linh hoạt và sáng tạo trong tổ chức và thực hành tác chiến.

Diễn biến tác chiến chiến lược của chúng ta trong mùa Xuân 1975 cho thấy, với ý đồ chiến lược là giải phóng hoàn toàn miền Nam, ta đã thực hiện thành công “trận điểm huyệt” Buôn Ma Thuột, thừa thắng giải phóng Tây Nguyên. Tiếp theo thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên và Nam Ngãi, thắng lợi của chiến địch Đà Nẵng là cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khẳng định hoàn toàn có khả năng giải phóng Sài Gòn trong tháng 4-1975. Với chủ trương tập trung toàn lực cho trận quyết chiến chiến lược này, phải tập trung và nhanh chóng cơ động lực lượng, thực hành bao vây, chia cắt Sài Gòn-Gia Định từ mọi hướng, không cho địch co cụm lực lượng tàn quân về Sài Gòn. Cùng với việc khóa chặt hướng Tây, việc mở toang các “cánh cửa” phía Đông, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực áp sát Sài Gòn là một ý đồ chiến lược hết sức chính xác.

Giải phóng Ninh Thuận nằm trong ý đồ chung của chiến lược đó và đã được thực hiện một cách xuất sắc. Chúng ta đã hết sức chủ động, sáng tạo tiến công và nổi dậy, tập trung giải quyết gọn các mục tiêu chủ yếu ở Phan Rang, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ toàn bộ lực lượng quân đội Sài Gòn ở đây, không cho lực lượng này co cụm về khu vực Sài Gòn. Thắng lợi này chẳng những cổ vũ tinh thần của quân và dân ta mà còn tạo ra điều kiện rất cơ bản để tập trung binh lực sát cửa ngõ Sài Gòn, tạo thế áp đảo chính quyền Sài Gòn từ hướng chủ yếu. Có thể nói rằng, nếu không có kết quả có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch Tây Nguyên, của các chiến dịch Huế, Đà Nẵng thì không thể có chiến thắng Phan Rang và Xuân Lộc. Và nếu không giải quyết được Phan Rang, Xuân Lộc thì cũng chưa thể có chiến thắng vĩ đại và nhanh chóng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử như thực tế đã diễn ra.

Chiến thắng giải phóng Ninh Thuận tiếp tục làm sâu sắc thêm bài học về xây dựng và phát huy vai trò lực lượng vũ trang 3 thứ quân, của các binh đoàn chủ lực cơ động.

Ở Ninh Thuận, trên cơ sở lực lượng chính trị quần chúng phát triển mạnh, các hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương hết sức sôi nổi, rộng khắp. Những hoạt động đó đã tạo thế, tạo lực, đủ sức phối hợp với Cánh quân Duyên hải ngay khi vừa mới vào đến cửa ngõ Phan Rang. Một lực lượng tổ chức và thực hành tiến công không thể giành thắng lợi nếu không làm chủ được địa bàn tác chiến, không nắm được lực lượng và tổ chức bố phòng của đối phương, không bao vây, cô lập được chúng. Ở Phan Rang, chúng ta đã làm được việc này và rất nhanh chóng Cánh quân Duyên hải có thể tổ chức tác chiến được ngay.

Với sự phối hợp của quân và dân địa phương với lực lượng chủ lực cơ động, ta đã nhanh chóng phá vỡ thế phòng thủ vững chắc của địch, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng của chúng ở đây, bắt sống cả hai viên tướng của quân đội Sài Gòn. Lực lượng vũ trang địa phương sau đó đã làm nòng cốt cho Ủy ban quân quản, trấn áp đám tàn quân và lực lượng chống đối, tạo lập và bảo vệ cuộc sống bình thường của nhân dân. Ninh Thuận đã tiếp tục chứng minh rằng lực lượng tại chỗ là lực lượng đến nhanh nhất.

Chiến thắng Phan Rang, cùng với việc giải phóng toàn bộ vùng Duyên hải, tiến tới giải phóng Sài Gòn đã khẳng định chủ trương sáng tạo, quyết đoán thành lập Cánh quân Duyên hải. Với việc thành lập cánh quân này, chúng ta đã có một lực lượng cơ động chiến lược thọc sâu vào hướng Đông Sài Gòn. Trên đường tiến quân, Cánh quân Duyên hải đã cùng nhân dân giải phóng một loạt các địa phương. Ở Ninh Thuận, vai trò của lực lượng chủ lực đã tiếp tục được khẳng định. Sự xuất hiện và hoạt động tác chiến của nó đã đập tan cố gắng phòng thủ của cả sư đoàn bộ binh chủ lực Sài Gòn cùng lực lượng của sư đoàn không quân, biệt động quân, bảo an, dân vệ... Chính kết quả tác chiến của lực lượng này đã tạo thế cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy, giải phóng Phan Rang và toàn tỉnh Ninh Thuận một cách nhanh chóng.

40 năm đã đi qua, chiến thắng Phan Rang, giải phóng Ninh Thuận vẫn mãi còn là một mốc son không chỉ đối với Ninh Thuận, mà còn là mốc son trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Dấu son ấy chắc chắn sẽ tiếp tục được quân và dân Ninh Thuận gìn giữ, phát huy. Cả nước đã biết tới chiến công “Đập tan lá chắn thép”, nhất định cả nước sẽ biết và ghi nhận một Ninh Thuận giàu và đẹp, hiện đại và đầy bản sắc văn hóa truyền thống.

Những kinh nghiệm lịch sử từ chiến thắng Phan Rang rất cần được nghiên cứu, vận dụng trong tình hình mới.